OMI VIỆT NAM::Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Tin Phụ Tỉnh Việt Nam Cầu nguyện với Hiến Pháp Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Lời Mở Đầu (Foreword), Lời Tựa (Preface) và phần Những Cộng Tác Viên với Đấng Cứu Thế JAMES, OMI & RICHARD, OMl CẦU NGUYỆN VỚI HIẾN PHÁP DÒNG HIẾN SĨ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM LỜI MỞ ĐẦU Khi thời gian đã viên mãn, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã được Chúa Cha sai đến, được đầy tràn Thánh Thần, để "loan báo Tin Mừng cho người nghèo, công bố sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, trả tự do cho những ai bị áp bức, và loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa" (Lc 4,18–19). Người đã kêu gọi con người trở nên môn đệ để chia sẻ sứ mạng của Người; và trong Hội Thánh, Người vẫn tiếp tục mời gọi những tâm hồn bước theo Người. Chân phước Eugène de Mazenod đã nghe thấy lời mời gọi ấy. Được lửa yêu mến Chúa Giêsu và Hội Thánh thiêu đốt tâm can, ngài đau khổ khôn nguôi trước cảnh dân Chúa bị bỏ rơi. Ngài đã chọn trở thành "người tôi tớ và linh mục của người nghèo", và hiến dâng trọn cuộc đời mình cho họ. Đứng trước một sứ mạng vượt quá sức người, ngài đã quy tụ quanh mình một nhóm linh mục, những người cùng chia sẻ ngọn lửa nhiệt tâm vì các linh hồn bị bỏ rơi. "Hãy sống với nhau như anh em", ngài mời gọi họ, "hãy cố gắng bắt chước các nhân đức và gương mẫu của Đấng Cứu Thế Giêsu, nhất là qua việc rao giảng Lời Chúa cho người nghèo". Dưới sự hướng dẫn của ngài, họ dấn thân cách vĩnh viễn cho sứ vụ rao giảng các cuộc đại phúc, khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm. Không lâu sau đó, ngài đón nhận các thầy trợ sĩ như những người con chân chính trong gia đình Dòng.Và như thế, Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm đã được khai sinh. Ngày 17 tháng 2 năm 1826, Dòng mới cùng với Bản Hiến pháp của mình đã được Đức Giáo hoàng Lêô XII chính thức phê chuẩn. Đối với các Hiến sĩ, Lời Tựa do Đấng Sáng lập viết cho Bản Hiến pháp luôn là một bản văn không gì sánh được, diễn tả sống động đoàn sủng của ngài và trở thành mối dây hiệp nhất cho toàn thể Hội dòng. Sau đây là bản văn ấy – mà từng thế hệ Hiến Sĩ đều nâng niu như Quy Luật sống của mình. LỜI TỰA Hội Thánh – gia nghiệp huy hoàng được Đức Kitô cứu chuộc bằng chính giá máu của Người – hôm nay đang bị tàn phá một cách tàn bạo. Hiền thê yêu dấu của Con Một Thiên Chúa đang quằn quại trong đau thương, khi chứng kiến cảnh con cái mình – những người được sinh ra bởi chính lòng mẹ Giáo Hội – đang phản bội, xa rời đức tin. Họ mang danh là Kitô hữu, nhưng lại là những kẻ chối bỏ Thiên Chúa; họ quên ơn Người, xúc phạm công lý Thiên Chúa bằng chính tội lỗi của họ. Nếu chúng ta không biết chắc rằng kho tàng đức tin thánh thiêng này sẽ được gìn giữ nguyên vẹn cho tới tận thế, thì hẳn là chúng ta đã không còn nhận ra đạo thánh của Đức Kitô nữa, bởi lẽ chỉ còn lại đôi chút dấu tích của thời vinh quang đã qua, rải rác đây đó. Tình trạng suy đồi hiện nay do lòng dạ gian ác và sa đoạ của người Kitô hữu thời nay đã khiến cho người ta có thể nói rằng: số đông trong họ còn khốn khổ hơn cả dân ngoại thuở xưa, trước khi họ được ánh sáng Thập Giá chiếu soi để phá tan các tà thần. Trước thực trạng bi đát ấy, Hội Thánh tha thiết khẩn nài những mục tử – những người mà chính Hội Thánh đã tuyển chọn cho Đấng Phu Quân thần linh của mình – hãy làm hết sức mình, bằng lời giảng và gương sáng, để khơi lại ngọn lửa đức tin vốn đang lụi tàn trong tâm hồn biết bao tín hữu. Than ôi! Ít người đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mẹ Giáo Hội. Trái lại, nhiều kẻ còn làm tình hình thêm trầm trọng vì lối sống bê tha của chính họ; thay vì dẫn người khác quay về đường ngay nẻo chính, thì họ lại cần chính người khác nhắc nhở về bổn phận của mình. Chính cái nhìn thấm đẫm đau thương này đã đánh động tâm hồn của một số linh mục đầy nhiệt huyết với vinh quang Thiên Chúa, những người nồng nàn yêu mến Hội Thánh, sẵn sàng hiến mạng sống mình để cứu các linh hồn. Họ xác tín rằng: nếu có thể đào tạo được những linh mục rực cháy lửa nhiệt tâm cứu rỗi nhân loại – những người biết quên mình, được đào luyện vững chắc trong các nhân đức – nói cách khác, là những con người Tông Đồ, tự ý dấn thân vào hành trình canh tân đời sống, và dùng hết khả năng để hoán cải tha nhân – thì hẳn là chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều kẻ lầm lạc sẽ có thể nhận ra ơn gọi và trách nhiệm đã bị lãng quên của họ. Chính thánh Phaolô đã căn dặn môn đệ Timôthê như thế này: "Hãy chăm lo cho bản thân và giáo huấn của con; hãy kiên trì như vậy, vì làm thế, con sẽ cứu được chính mình và cả những người nghe con nữa" (1 Tm 4,16). Vậy Đức Giêsu, Chúa chúng ta, đã hành động thế nào khi Người bắt đầu công trình cứu độ nhân loại? Người chọn một nhóm các Tông đồ và môn đệ, đích thân đào tạo họ trong đời sống thánh thiện và đầy tràn Thần Khí. Khi họ đã được dạy dỗ và huấn luyện, Người sai họ lên đường để chinh phục thế giới, và chẳng bao lâu, nhân loại đã cúi mình thờ lạy quyền năng của Người. Vậy những ai muốn bước theo dấu chân Thầy Chí Thánh Giêsu để đưa các linh hồn trở về với Người, thì phải sống thế nào? Họ phải trở nên thánh! Họ phải đi trên con đường mà biết bao người đã đi trước – những tông đồ thời đại, từng hiến thân cho cùng một sứ vụ mà chính họ hôm nay được mời gọi. Họ phải hoàn toàn từ bỏ chính mình, chỉ nhắm tới vinh quang Thiên Chúa, thiện ích của Hội Thánh, và ơn cứu độ các linh hồn. Họ phải không ngừng canh tân đời mình trong tinh thần ơn gọi, sống trong sự từ bỏ liên lỉ, và không ngừng vươn tới đỉnh cao của sự hoàn thiện. Họ phải kiên trì rèn luyện để trở nên khiêm nhường, hiền lành, vâng phục, yêu thích nghèo khó và hãm mình, biết sống từ bỏ thế gian và các quyến luyến gia đình – trở nên những con người đầy lửa nhiệt tâm, sẵn sàng hy sinh của cải, tài năng, tiện nghi, bản thân và cả mạng sống mình – vì lòng mến Chúa Kitô, vì Hội Thánh và vì sự nên thánh của anh em mình. Và như thế, với lòng tín thác vô bờ nơi Thiên Chúa, họ sẵn sàng bước vào trận chiến, chiến đấu – ngay cả cho đến chết – để làm vinh danh Danh Người rất thánh và cao cả. Biết bao cánh đồng bao la đang mở ra trước mắt họ! Biết bao công việc cao cả và thánh thiện đang chờ họ! Dân chúng đang bị vùi lấp trong sự dốt nát về những điều hệ trọng nhất của phần rỗi. Hệ quả là niềm tin đã mai một, đạo đức đã suy tàn, và mọi thứ tội lỗi đang tung hoành không kiểm soát. Vì thế, giờ đây hơn bao giờ hết, là lúc cần thiết và khẩn cấp, để đưa đoàn chiên lạc trở về; để dạy lại cho những Kitô hữu băng hoại biết Đức Giêsu Kitô là ai; để giải thoát họ khỏi quyền lực của Satan và chỉ cho họ con đường dẫn đến sự sống đời đời. Chúng ta phải dốc toàn lực để mở rộng vương quốc của Đấng Cứu Thế, để phá tan vương quốc của hoả ngục. Chúng ta phải ra sức dập tắt tội ác và khơi lại mọi nhân đức. Chúng ta phải giúp con người sống như con người đích thực, rồi như những Kitô hữu, và cuối cùng, giúp họ trở nên các thánh. Đó là những công trình vĩ đại của ơn cứu độ, những hoa trái mà các linh mục – được Thiên Chúa soi sáng để quy tụ thành một Hội Dòng – có thể gặt hái, nhờ cùng nhau sống ơn gọi của mình cách xứng đáng, và trung thành với sứ mạng cao cả. Tuy nhiên, chỉ xác tín thôi thì chưa đủ. Gương các thánh và lý trí đều dạy ta rằng: để một hội dòng duy trì được kỷ luật và thực hiện được một công trình thánh thiện lớn lao, thì rất cần một số quy luật sống để tạo nên sự đồng tâm nhất trí giữa các thành viên. Sự hiệp nhất ấy chính là sức mạnh của Hội Dòng, là nguồn mạch lòng sốt mến và là bảo chứng cho sự trường tồn. Vì thế, khi cam kết thi hành mọi công cuộc tông đồ mà đức ái linh mục có thể gợi hứng – nhất là việc giảng đại phúc, vốn là mục tiêu chính yếu cho sự hiện hữu của Hội dòng – những linh mục được liên kết trong một hội dòng này đã quyết tâm sống theo Hiến pháp và Luật Dòng sau đây. Nhờ đó, họ hy vọng có được mọi ơn ích cần thiết cho việc nên thánh bản thân và cho phần rỗi các linh hồn. NHỮNG CỘNG TÁC VIÊN VỚI ĐẤNG CỨU THẾ Còn có mục đích nào cao cả hơn sứ mạng của Hội Dòng họ? Đấng sáng lập của họ là Đức Giêsu Kitô, chính Con Một Thiên Chúa hằng sống. Tổ phụ đầu tiên của họ là các Tông đồ những người được sai đi bởi chính Thầy Chí Thánh. Họ được mời gọi trở thành cộng tác viên của Đấng Cứu Thế, những người cùng chia sẻ vào công trình cứu chuộc nhân loại. Và dẫu rằng hiện giờ, bởi con số họ hãy còn ít ỏi và vì những nhu cầu cấp bách từ dân chúng đang sống quanh họ, họ buộc phải giới hạn lòng nhiệt thành của mình – trong một phạm vi tạm thời – cho người nghèo vùng quê, và cho những kẻ khác đang bị bỏ rơi. Thì tham vọng của họ, trong khát vọng thánh thiện, phải bao trùm toàn thể địa cầu. (1818) Ngày 07 tháng 05 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Tình huynh đệ lan tỏa qua Hội Thao Hiến Sĩ lần II – Năm học 2024–2025 Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Ngày Đấng Sáng Lập Về Nhà Cha Và 35 Năm Khấn Dòng – 29 Năm Linh Mục Của Cha Nguyên Bề Trên Sứ Vụ - Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Về Bên Chúa Và Về Bên Nhau – Thường Huấn Hiến Sĩ Linh Mục Chúc mừng Sinh Nhật lần thứ 207, ngày thành lập Hội dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, O.M.I. Thư Chúc Tết Nguyên Đán - Quý Mão 2023 Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội – Bổn Mạng Hội Dòng Hiến Sĩ Mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội - 08/12/2022 Thánh Lễ Truyền Chức Phó Tế và Linh Mục || Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Năm 2022 Thánh Lễ Tạ Ơn của Các Tân Chức Tại Học Viện Mai Thiên Lộc Thánh Lễ Truyền Chức Phó Tế và Linh Mục - Mừng Kim Khánh Linh Mục của Lm Roland Dương Hữu Nhân, OMI