OMI VIỆT NAM::Thư nhân dịp kỷ niệm 209 năm thành lập Hội Dòng Truyền Giáo Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Mục vụ Thư nhân dịp kỷ niệm 209 năm thành lập Hội Dòng Truyền Giáo Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Antoni BOCHM, OMI - Phó Tổng quyền Rôma, ngày 25 tháng 1 năm 2025 Anh em Hiến sĩ và toàn thể thành viên gia đình Hiến sĩ quý mến! Với niềm vui và lòng biết ơn, chúng ta cùng nhớ lại và cử hành ngày sinh nhật của Hội dòng, khởi đầu cho đời sống cộng đoàn của chúng ta. Vào ngày 25 tháng 1 năm 1816, Thánh Igiêniô Mai Thiên Lộc đã chuyển đến sống tại tu viện Cát Minh cổ ở Aix-en-Provence. Cha Tempier đã đến đó vài ngày trước rồi. Ban đầu chỉ có ba người; những người khác sẽ gia nhập vào giữa tháng 2 năm 1816. Năm nay, việc cử hành và tỏ lòng biết ơn đối với khởi đầu của chúng ta trùng hợp với Năm Thánh Cứu Độ: kỷ niệm 2025 năm ngày Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, sinh ra tại Bêlem. Trong Năm Thánh này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta sống theo chủ đề: Lữ khách của hy vọng. Trong Tông sắc công bố Năm Thánh 2025, Spes non confundit – “Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5:5), ngài giải thích chủ đề này. Ngài chỉ ra hy vọng là gì, nguồn gốc của hy vọng, các dấu chỉ hy vọng hiện diện trong thế giới, và mời gọi chúng ta đáp lại những tiếng kêu xin hy vọng từ các nơi khác nhau trên thế giới, từ những hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Vào ngày 24 tháng 12 năm 2024, ngay trước Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở Cửa Năm Thánh. Qua cử chỉ này, ngài chính thức khai mạc Năm Thánh, vốn luôn là thời gian của sự tha thứ, hòa giải, xóa nợ và trở về với lối sống công chính. Khi chúng ta cử hành ngày sinh nhật của Hội dòng, chúng ta được mời gọi sống năm nay trong tinh thần của Năm Thánh Nhập Thể. Thực ra, kể từ Tổng tu nghị lần thứ 37, chúng ta đã cố gắng canh tân và củng cố đời sống và sứ vụ của mình theo chủ đề gần giống với chủ đề Đức Thánh Cha Phanxicô đề ra cho Năm Thánh: Lữ khách của Hy vọng trong Hiệp thông. Cả ba khía cạnh của chủ đề này đều rất quan trọng và thiết yếu trong đặc sủng của chúng ta. Chúng ta là những người lữ hành, luôn lên đường, trên những con đường dẫn đến nơi truyền giáo; chúng ta luôn cố gắng đổi mới bản thân. Chúng ta là những người lữ hành mang hy vọng đến cho những ai đang tìm kiếm và kêu gào hy vọng. Chúng ta làm điều đó cùng nhau, như những cộng đoàn, trong sự hiệp thông với các Hiến sĩ và những ai khao khát sống theo đặc sủng của Hiến sĩ. Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập cộng đoàn Hiến sĩ đầu tiên, tôi muốn suy tư về đời sống hiệp thông của chúng ta và cách điều này biến chúng ta thành những người lữ hành mang hy vọng và trao hy vọng cho người khác. Tôi sẽ bắt đầu bằng việc trích dẫn một số đoạn từ Hiến pháp và Quy luật dòng, trong đó nói về đời sống cộng đoàn cụ thể: “Đời sống cộng đoàn của chúng ta được ghi dấu bằng tinh thần đơn sơ và vui tươi. Khi chia sẻ những gì chúng ta có và những gì chúng ta là với nhau, chúng ta tìm thấy sự chấp nhận và nâng đỡ. Mỗi người trong chúng ta trao tặng tình bạn và đặt những tài năng Chúa ban phục vụ cho tất cả. Điều này làm phong phú đời sống thiêng liêng, sự phát triển trí tuệ và hoạt động tông đồ của chúng ta. Trong khiêm nhường và nhờ sức mạnh của đức ái, chúng ta bày tỏ trách nhiệm của mình đối với nhau qua việc sửa lỗi huynh đệ và tha thứ” (HP. 39). “Đức vâng lời và bác ái liên kết chúng ta với nhau, linh mục và tu huynh, giữ chúng ta phụ thuộc lẫn nhau trong đời sống và hoạt động truyền giáo…” (HP. 38). “Mỗi người theo luật lao động chung, và theo cách riêng của mình đóng góp cho việc hỗ trợ cộng đoàn và hoạt động tông đồ…” (HP. 21). Những đoạn Hiến pháp này rõ ràng mời gọi mỗi người chúng ta trở thành một thành viên tích cực trong đời sống cộng đoàn. Một Hiến sĩ không chỉ là người sống cùng anh em dưới một mái nhà, mà là người có trách nhiệm với cộng đoàn và tất cả những ai sống trong đó. Thánh Igiêniô Mai Thiên Lộc không muốn cộng đoàn Hiến sĩ chỉ là một nhóm làm việc hay chỉ là một tập thể những người có cùng sứ mạng và lý tưởng. Ngài mong muốn chúng ta trở thành một gia đình: gia đình gắn bó nhất trên thế giới! Chúng ta biết rõ rằng, các thành viên trong gia đình chăm sóc lẫn nhau, chịu trách nhiệm về nhau, gắn kết bền chặt và quy tắc duy nhất hướng dẫn đời sống của họ là tình yêu. Các cộng đoàn của chúng ta được mời gọi phản ánh hình ảnh của một gia đình tốt đẹp. Thành viên trong gia đình hiểu rõ nhau, dễ dàng nhận ra khi anh em mình đang sống trong niềm vui hoặc phải đối diện với nỗi buồn và đau khổ; họ luôn sẵn sàng giúp đỡ khi cần. Là thành viên của một gia đình, chúng ta nhận được rất nhiều, và vì thế chúng ta cũng phải đóng góp cho gia đình. Có một cám dỗ là mong đợi nhiều hơn từ cộng đoàn thay vì cống hiến cho cộng đoàn. Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập cộng đoàn Hiến sĩ đầu tiên, tôi muốn mời gọi tất cả chúng ta cùng suy tư về sự đóng góp của từng người vào đời sống cộng đoàn: Tôi có thực sự dâng hiến trọn vẹn thời gian, công việc, sự hỗ trợ và lời cầu nguyện của mình cho cộng đoàn không? Tôi có sẵn sàng hoàn toàn cho anh em và cho sứ mạng của cộng đoàn không? Ơn gọi của chúng ta – những Hiến sĩ Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm – là dâng hiến tất cả những gì chúng ta có, đặt bản thân phục vụ cộng đoàn và sứ mạng được thực hiện qua cộng đoàn. Tổng tu nghị lần thứ 37 không chỉ kêu gọi cộng tác, trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau, mà còn kêu gọi sự phụ thuộc lẫn nhau: “Sống sự phụ thuộc lẫn nhau là học cách trở thành một chi thể của thân mình” (Hậu TTN 14.2). Tu nghị nói nhiều hơn về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các cộng đoàn hoặc giữa các đơn vị, nhưng chúng ta cũng có thể áp dụng điều này vào mối quan hệ phụ thuộc giữa các thành viên trong cùng một cộng đoàn. Trách nhiệm phải là một trong những đặc điểm chính để mô tả tất cả Hiến sĩ và các thành viên gia đình Hiến sĩ. Ở đâu thiếu trách nhiệm đối với cộng đoàn, đời sống và chất lượng của cộng đoàn sẽ bị tổn thương. Chúng ta được mời gọi đóng góp cho toàn bộ cộng đoàn, cho công việc của cộng đoàn, cho đời sống thiêng liêng của cộng đoàn. Chúng ta chịu trách nhiệm cho những điều lớn lao trong cộng đoàn. Và mặc dù những việc nhỏ có vẻ không quan trọng, nhưng thực ra chúng lại rất quan trọng, vì đó là những khía cạnh đời sống hằng ngày – những việc đơn giản như lau dọn, sắp xếp đồ đạc đúng chỗ, giao tiếp tốt, v.v. Hãy quan tâm đến đời sống của cộng đoàn. Hãy quan tâm đến việc hiểu rõ các không gian trong nhà nơi đời sống cộng đoàn đang diễn ra. Hãy ý thức về cộng đoàn. Sống trong cộng đoàn với đôi mắt rộng mở. Sống đời sống cộng đoàn với một trái tim rộng mở. Đừng chờ đợi người khác làm điều gì đó, mà hãy tự hỏi: Tôi có thể làm gì? Trách nhiệm không chỉ thuộc về người bề trên. Mỗi người chúng ta và tất cả chúng ta cùng nhau chịu trách nhiệm về đời sống cộng đoàn. Khi bình luận về những đoạn Hiến pháp đã trích dẫn, Cha Jetté nhấn mạnh đến sự cần thiết của một kế hoạch cộng đoàn: nếu không có kế hoạch cộng đoàn, sẽ không thể có một cộng đoàn tông đồ đích thực. Việc thiết lập kế hoạch cộng đoàn phải là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các Hiến sĩ trong cộng đoàn. Điều này cần được thực hiện trong sự cân nhắc đến các nhu cầu truyền giáo, và cần được ưu tiên: không có kế hoạch cá nhân nào được đặt trước kế hoạch của cộng đoàn. Tôi muốn nhắc lại lời mời gọi suy tư về sự tham gia và đóng góp của từng người trong đời sống cộng đoàn, điều này rất quan trọng đối với đặc sủng của chúng ta. Chúng ta có thể cải thiện điều gì với tư cách cá nhân và với tư cách cộng đoàn? Làm thế nào để sống tốt hơn lời mời gọi chịu trách nhiệm cho nhau, chịu trách nhiệm cho cộng đoàn, và sống sự phụ thuộc lẫn nhau? Cộng đoàn cần tạo ra những không gian giúp các thành viên hiểu rõ hơn về nhu cầu và cảm xúc của họ. Cộng đoàn cũng cần có các không gian dành cho việc biện phân chung, lập kế hoạch và đánh giá. Đời sống gia đình và cộng đoàn tốt đẹp là niềm khao khát của nhiều người, nhưng đồng thời cũng là một thách đố trong thế giới hôm nay. Làm thế nào để chăm sóc nhau, làm thế nào để dâng hiến cuộc sống của mình cho người khác với tình yêu và sự tận tâm? Bằng cách không sống trong sự ganh đua hay coi thường nhau, nhưng bằng cách trao ban và phục vụ như Chúa Giêsu, Đấng đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ. Sống tốt đời sống Hiến sĩ và gia đình Hiến sĩ, làm chứng cho lời mời gọi sống đời sống truyền giáo trong và qua cộng đoàn của chúng ta. Chúng ta cần ý thức rằng nếu không mang lại hy vọng cho các thành viên trong cộng đoàn, chúng ta cũng không thể mang lại hy vọng cho những người xung quanh. Chúng ta là những lữ khách của hy vọng! Tôi muốn kết thúc suy tư này bằng lời của Thánh Igiêniô Mai Thiên Lộc, viết cho Cha Guibert vào ngày 20 tháng 1 năm 1823: “Chúng ta là một gia đình, trong đó tất cả các thành viên đều mong muốn chỉ có một trái tim và một linh hồn.” Xin cho đây là thực tế của chúng ta! Quay trở lại với việc cử hành Năm Thánh Cứu Độ, đặc biệt là tại Rôma, dự kiến sẽ có rất nhiều khách hành hương đến đây. Trong số đó, có lẽ cũng sẽ có nhiều Hiến sĩ và các nhóm do Hiến sĩ tổ chức hoặc đồng hành. Với tư cách là các Hiến sĩ đang sống tại Rôma, chúng tôi muốn giúp hướng dẫn anh chị em đặc biệt đến những nơi trong Thành phố Vĩnh Cửu có liên hệ đến Thánh Igiêniô Mai Thiên Lộc. Điều này sẽ giúp tất cả chúng ta đào sâu hơn sự hiểu biết về ngài và đặc sủng của ngài, đồng thời sống đặc sủng tốt hơn theo gương ngài. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và ban tràn đầy niềm vui vì được là thành viên của đặc sủng Hiến sĩ. Chuyển ngữ: Ban Dịch Thuật HSVN Ngày 06 tháng 02 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Tạm Biệt Anh, Người Hiến Sĩ Của Chúa Lễ giỗ một năm Cha cố Giuse Mai Văn Thảo – Người Hiến Sĩ của đức tin và lòng trung thành Vị thế và vai trò của Đức Maria Vô Nhiễm trong linh đạo và sứ mạng Hiến Sĩ Thánh lễ Tạ ơn mừng 199 năm Hiến Pháp và Luật Dòng được chuẩn nhận – Nghi thức trao tác vụ Đọc sách Thường Huấn Tu Huynh – Sứ Vụ Việt Nam Sự Chuyển Mình và Nghi Thức Nhậm Chức Bề Trên Phụ Tỉnh Lễ Vật Hiến Sĩ Mùa Chay: Đi Để Trở Về Giáo Hội Sống Mùa Vọng Trong Đại Dịch Covid-19 Chút Suy Tư Mùa Chay (Mt 4, 1-11)