OMI VIỆT NAM::Đức Maria, Đấng can thiệp cho người nghèo (Ga 2,1-12) Mẹ Vô Nhiễm Đức Maria, Đấng can thiệp cho người nghèo (Ga 2,1-12) Chúa Giêsu mặc khải rằng vận mệnh cuối cùng của chúng ta là tình yêu và rằng chúng ta được kêu gọi dự phần vào một tiệc cưới thánh tuyệt vời. Nhưng để sống bữa tiệc này những giọt nước của nhân loại phải được biến đổi thành những giọt rượu mới của tình yêu. Vào thời ấy, tiệc cưới được kéo dài khoảng một tuần lễ. Trong tiếng Aramaic, chữ “tiệc cưới” có cùng gốc như chữ “uống”, có ý nói rằng tiệc cưới là thời gian dành cho tiệc tùng và liên hoan. Người gần, kẻ xa sẽ đến để gặp gỡ bạn bè và các thành viên gia đình. Tiệc cưới là cơ hội tuyệt vời để qui tụ gia đình và làng xóm. Tiệc cưới là một thực tại tuyệt vời của nhân loại. Người ta sẽ mặc những trang phục đẹp nhất, họ vui mừng, hát hò, nhảy múa, cười đùa và vui vẻ với nhau. Và vì thế Chúa Giêsu muốn đưa các môn đệ đi sâu vào sự tròn đầy của nhân tính nơi họ. Không còn rượu nữa Hết rượu! Thật là một nỗi nhục nhã khủng khiếp cho hai gia đình hôn sự khi không thể có đủ rượu cho thực khách. Đức Mẹ có mặt trong tiệc cưới không chỉ với vai trò khách mời mà hơn thế nữa là một người giúp đỡ. Mẹ đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện này; tên của Mẹ được nhắc đến ba lần. Khi Mẹ nhận thấy nỗi tủi nhục của đôi tân hôn và gia đình, Mẹ chạnh lòng thương cảm, và nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu ngay lập tức nhận biết điều này có ý nghĩa thế nào với những con người đáng thương đó, nhưng Người dường như không sẵn sàng làm bất cứ điều gì. “Thưa bà’, Người nói với Mẹ, “chuyện đó can gì đến bà và con?” Đây là một lối diễn tả Semit về sự từ chối hành động. Và Người thêm: “Giờ của con chưa đến.” Trong Tin Mừng Gioan, việc hoá nước thành rượu là sự kiện quan trọng đầu tiên trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Sự kiện ấy có một ý nghĩa quan trọng. Đức Maria, Đấng can thiệp cho người nghèo và người bị sỉ nhục, hiện diện ngay từ khởi đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, cũng như Mẹ sẽ hiện diện ở điểm kết thúc, bên thập giá, nơi đó một lần nữa Chúa Giêsu sẽ gọi Mẹ: “Thưa bà”, như một dấu chỉ của sự tôn trọng. Sự từ chối rõ ràng của Chúa Giêsu và cử chỉ cũng như lời nói của Đức Maria có vẻ như chẳng ăn khớp với nhau. Mẹ đến với các đầy tớ và nói với họ: “Ngài bảo gì các anh cứ làm theo”. Mẹ hoàn toàn tín thác vào Chúa Giêsu. Mẹ biết tình yêu của Chúa Giêsu đối với những kẻ nghèo hèn và yếu đuối. Mẹ biết Chúa Giêsu sẽ làm điều gì đó. Vì thế có lẽ sự từ chối rõ ràng của Chúa Giêsu trước lời đề nghị của Đức Mẹ: “Chuyện đó can gì đến bà và con?” – có ý nghĩa sâu xa hơn. Có lẽ Chúa Giêsu muốn nói rằng Người phải rời bỏ làng quê Nazareth và rời khỏi Đức Mẹ để loan báo sứ điệp tình yêu của Người trên khắp đất nước Israel. Đây là một giai đoạn mới trong cuộc đời của Người cũng như của Đức Mẹ. Nhưng hành động này sẽ dẫn Người đến việc bị chối bỏ và bị giết chết, vào “giờ” thập giá, nơi đó rượu mới của tình yêu thần linh sẽ được đổ ra, và một lần nữa Đức Mẹ sẽ hiện diện ở đó. Nước biến thành rượu Chúa Giêsu nói với các đầy tớ đổ đầy nước vào sáu chum lớn. Những chum này được dùng trong nghi thức thanh tẩy và mỗi chum chứa được một trăm lít nước hay hơn nữa. Phải cần nhiều xô nước mới đổ đầy được những chum này. Rồi Chúa Giêsu bảo họ múc nước và đem cho quản tiệc. Ôi những đầy tớ đầy lòng tin và tín thác vào Chúa Giêsu – thực sự đơn sơ, khiêm tốn. Với họ dường như phải là điều điên khùng khi lấy “nước” mà đem cho quản tiệc. Hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của họ khi khám phá ra nước đó là rượu! Chúa Giêsu đã dùng đức tin của những con người khiêm tốn để thực hiện những điều kỳ diệu. “Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: ‘Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ”. Một lượng rượu nhiều không thể tin được đã được ban tặng, rượu hảo hạng dồi dào: hàng trăm lít rượu! Và mọi người đã ngà ngà say! Ngày nay, con người chúng ta sẽ thận trọng hơn… có lẽ. Tuy nhiên, Thiên Chúa làm mọi sự một cách phong phú. Tình yêu Ngài dành cho chúng ta rất dồi dào và Ngài muốn trao ban cho chúng ta thêm nhiều hơn nữa sự sống và niềm vui. Thiên Chúa không ngừng và liên lỉ tuôn đổ tình yêu và ánh sáng trên chúng ta, mở rộng hữu thể chúng ta nhờ thế chúng ta luôn luôn có thể đón nhận thêm, thêm mãi… Sự dồi dào của rượu là một dấu chỉ rằng thời Mêsia đã tới. Đó là lý do ngôn sứ Amos đã kêu lên: “Này sẽ tới những ngày, sấm ngôn của Đức Chúa, núi đồi sẽ ứa ra nước cốt nho, và mọi gò nổng sẽ tuôn chảy. Ta sẽ đổi vận mạng của Israel dân Ta và chúng sẽ tái thiết những thành hoang tàn và sẽ định cư ở đó. Chúng sẽ trồng nho và được uống rượu vườn nho mình trồng” (Am 9,13-14). Piô Tình, OMI Phỏng dịch từ tác phẩm “Drawn into the Mystery of Jesus through the Gospel of John” của Jean Vanier. Ngày 11 tháng 06 Năm 2019 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Triển lãm các ảnh tượng Đức Mẹ được đội triều thiên tại đền thờ Thánh Phêrô ĐTC Phanxicô gửi thư cho hai đền thánh Đức Mẹ Guadalupe kết nghĩa ở Mexico và Tây Ban Nha Tượng Đức Mẹ khổng lồ và đầy xúc cảm tại Nagasaki Chiêm Ngắm Trái Tim Đức MARIA Trong thời gian Đại dịch COVID-19, tôi đã vẽ một bức tranh… Chúng ta đang chờ Mẹ bảo lãnh Vu Lan - Nhớ Mẹ trên trời Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội và tầm quan trọng của tín điều trong đời sống Kitô hữu Đức Mẹ của Kinh Thánh và Đức Mẹ của lòng sùng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, tầm quan trọng của tín điều trong đời sống Kitô hữu