OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật III – Thường Niên Chúa Nhật Chúa Nhật III – Thường Niên Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe. Tin Mừng Lc 1,1-4 ; 4,14-21 Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc. Khi ấy, được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh. Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Suy niệm: Đức Giê-su – Tin Mừng Cho Mọi Người Tin Mừng Luca cho thấy Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, Ngài trở về Galilê, và tiếng tăm Ngài được đồn ra khắp vùng. Ngài bắt đầu giảng dạy trong các hội đường của người Do Thái, cụ thể ở hội đường làng Nadarét. Thánh Thần Chúa ngự trên tôi Đức Giêsu luôn sống dưới tác động của Thánh Thần. Ngài làm tất cả dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, cụ thể Ngài đi chịu phép rửa tại sông Yordan, Ngài vào hoang địa ăn chay cầu nguyện, và hôm này Ngài ra đi rao giảng. Dưới tác động của Thánh Thần, Đức Giêsu là người mang tin mừng cho người có tinh thần nghèo, loan báo tự do cho kẻ bị tù đầy, cho người mù được sáng, cho người áp bức được giải thoát, và năm hồng ân của Thiên Chúa cho mọi người. Thánh Thần ở trong Hội Thánh như hồn ở trong thân xác. Trong Hội Thánh có nhiều chức vụ, nhưng tất cả đều do Thánh Thần ban tặng và tác động: người làm đầu người làm mắt người làm chân tay. Tất cả đều thuộc về Hội Thánh, và không thể thiếu một chức vụ nào, cũng như một thân xác không thể thiếu một bộ phận nào. Không một bộ phận nào trong thân thể bị thiếu mà lại không ảnh hưởng đến bộ phận khác và toàn thân thể, cũng tương tự vậy những chức vụ trong Hội Thánh. Ước gì mỗi người đều ý thức Thánh Thần luôn gần gũi, luôn ở với, và luôn hướng dẫn mình cùng Hội Thánh trong mọi hành động. Đức Giêsu- Tin Mừng Thiên Chúa chúc lành cho con người, làm tất cả cho con người qua Đức Giêsu. Có ai hiểu được những người bị tù đầy mong được ngày ra khỏi tù như thế nào? “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”: một ngày trong tù, lâu như thể ngàn năm ở ngoài. Ở đây người ta nói tới thời gian tâm lý, và qua đó diễn tả mong ước ngày được tự do đến độ nào! Đức Giêsu là người công bố ơn đại xá, được miễn án và ra khỏi tù. Nếu ai hiểu được người mù cực khổ như thế nào, và người mù mong được sáng đến độ nào, sẽ dễ dàng hiểu câu “Đức Giêsu là người làm cho người mù được sáng” có nghĩa gì với người mù. Những người bị áp bức hà hiếp, cực khổ như thế nào, mong được minh oan và được giải thoát đến độ nào! Đức Giêsu là người giải phóng họ. Người ta có thể bị tù đày nô lệ trong không gian như bị giam cầm trong một nơi chốn nào đó, nhưng người ta cũng có thể bị giam hãm trong một cái nhìn nào đó, có thể bị nô lệ với một thành kiến mà người ta không biết. Đức Giêsu tới, cho người ta nhận ra giá trị chân thực, giúp con người biết tiêu chuẩn chân thực để phán đoán. “Chân lý” giải phóng con người khỏi nô lệ, làm người bị u mê nhận ra sự thật và nhờ đó được tự do. Tin Mừng cho người nghèo Tin Mừng Đức Giêsu, không phải mọi người đều nhận ra. Những người Do Thái không nhận ra, nên muốn giết Đức Giêsu. Để nhận ra Đức Giêsu là Tin Mừng, cần phải có con mắt của người nghèo, người thấy mình “còn thiếu”, người thấy mình cần được soi sáng, người sẵn sàng và luôn ngóng chờ Thiên Chúa nói với mình. Những người tự mãn, tự cho mình đã đủ không còn thiếu gì nữa, rất khó đón nhận Tin Mừng Đức Giêsu. Những người này có thể là những người cho rằng mình đã đạo đức đủ, không nhận ra mình yếu đuối tội lỗi cần Thiên Chúa thương xót và trợ giúp. Họ cũng có thể là những người cho mình có học, không sẵn sàng đón nhận mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu với cuộc sống “bình thường”. Cũng có thể họ là những người giầu, và Đức Giêsu không thêm gì cho họ: Ngài không làm cho họ giầu hơn hoặc danh tiếng hơn hoặc có địa vị cao hơn. “Phúc cho người có tinh thần nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của họ” (Mt.5, 3). Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, người giầu cũng như người nghèo. Người giầu có nhiều thứ và nhiều bận tâm, nên không còn chỗ và không sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa không yêu thương họ. “Nghèo” như thái độ, là mối phúc thật sự. Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm Nguồn:gplongxuyen.org Rao Giảng Tin Mừng Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay tập trung vào một chủ đề chính yếu, đó là rao giảng Lời Chúa. Bài đọc một trích sách Nơ-khe-mi-a thuật lại việc kinh sư Ét-ra đọc và giảng thích sách Luật cho toàn dân và họ lắng tai nghe sách Luật (xc. Nkm 8,3). Trong bài Tin Mừng, thánh Lu-ca thuật lại “bài diễn văn” khai mạc sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su trong hội đường Na-da-rét, đồng thời phác họa về sứ vụ của Chúa trong tương lai. Các bài đọc hướng chúng ta vào trọng tâm của đời sống người Ki-tô hữu, đó là Lời Chúa. Lắng nghe, đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành là bổn phận và trách nhiệm của người Ki-tô hữu chúng ta và nhờ trung thành nghe và sống lời Chúa chúng ta được giải thoát khỏi mọi hình thức nô lệ và đạt được ơn cứu độ. Sứ mạng của các kinh sư, thầy Lê vi Sách Nơ-khe-mi-a mô tả lại sự tái lập dân Ít-ra-en trong và xung quanh đền thờ Giê-ru-sa-lem sau khi dân được giải phóng khỏi cuộc lưu đày ở Ba-by-lon. Bây giờ dân được tự do, vì vậy, vào ngày Sa-bát dân tập trung vào hội đường để nghe sách Luật. Sách Luật mà kinh sư đọc hôm nay là sách Ngũ Thư mới được biên soạn lại sau thời lưu đày. Trong khoảng 70 năm lưu đày ở Ba-by-lon, dân Ít-ra-en luôn trung thành giữ luật và xây dựng lối sống dựa trên luật pháp, tuân giữ luật ngày Sa-bát, phép cắt bì, không ăn thức ăn bị ô uế, trung thành giữ và thực hành các nghi lễ. Hôm nay, kinh sư Ét-ra và các thầy Lê-vi đã đọc và giải thích sách Luật cho dân. Khi nghe đọc sách Luật: dân chúng khóc vì thấy mình đã có lúc không tuân giữ luật Chúa và sợ khi nghe đọc những lời trừng phạt dành cho những ai không tuân giữ luật. Tuy nhiên, kinh sư Ét-ra và các thầy Lê-vi đã giải thích cho dân chúng hiểu hôm nay không phải ngày để buồn sầu khóc lóc nhưng là ngày vui mừng, vui vì được Thiên Chúa ban lề luật, nghĩa là được Thiên Chúa yêu thương. ““Anh em đừng khóc nữa, vì hôm nay là ngày thánh ! Anh em chớ phiền muộn làm gì !” Bấy giờ toàn dân đi ăn uống, rồi gửi các phần ăn, và liên hoan tưng bừng, vì họ đã hiểu rõ lời lẽ mà người ta vừa cho họ biết” (Nkm 8,11-12). Sứ mạng của tư tế của Chúa Giê-su Hôm nay Chúa Giê-su trở về quê nhà ở Na-da-rét, vào ngày sa-bát, Chúa vào hội đường và đọc Sách Thánh. Hội đường là nơi hội họp của người Do-thái ở Pa-lét-tin cũng như những nơi có người Do-thái cư ngụ. Ngày sa-bát, người ta đọc sách Luật, các sách ngôn sứ rồi tiếp theo là một bài giảng giải. Theo tập tục, Chúa Giê-su đứng lên sau bài đọc sách Ngũ Thư để đọc đoạn sách sác ngôn sứ. Người giúp việc hội đường trao cho Chúa Giê-su sách ngôn sứ I-sai-a, Chúa mở ra và đọc một đoạn trong sách I-sai-a nói về người ngôn sứ, tư tế là người được Thiên Chúa xức dầu tấn phong để loan báo Tin Mừng, giải thích Lời Chúa cho mọi người, nhất là những người đau khổ biết rằng họ luôn được Thiên Chúa yêu thương. Cuộn sách lại trả cho người giúp việc trong hội đường, Chúa Giê-su bắt đầu giảng giải về đoạn kinh thánh vừa đọc, Chúa nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Chúa giải thích cho dân chúng hiểu, những lời Kinh Thánh Chúa vừa đọc cũng là những lời Thiên Chúa đang nói với chính Chúa Giê-su. Theo Chúa Giê-su đoạn sách ngôn sứ I-sai-a nói về Chúa: khi lãnh nhận phép rửa của Gioan, Chúa Giê-su đã được Chúa Cha xức dầu làm ngôn sứ và chứng thực Người là con yêu dấu của Chúa Cha. Chúa Giê-su trở thành Ngôn Sứ của Thiên Chúa. Như chúng ta đã biết, sứ mạng chính yếu của ngôn sứ là công bố Lời Chúa và giải thích Lời Chúa cho dân chúng. Chúa Giê-su đến thế gian để công bố sự tự do, đem ơn giải thoát, chữa lành những người đau bệnh, công bố năm hồng ân của Chúa cho mọi người, nhất là những người đau khổ. Chúa Giê-su giải thích cho dân chúng hiểu rằng Thiên Chúa không phân biệt, hay hất hủi những người đau khổ nhưng ngược lại, Thiên Chúa yêu thương họ nhiều hơn, Người sẽ cứu độ họ. Vì thế, mọi người nói chung, cách riêng những người đau khổ hãy đặt trọn niềm hy vọng nơi Thiên Chúa thì họ sẽ được hạnh phúc, sẽ không sợ bị lạc đường. Nếu người ta đặt hết niềm cậy trông nơi của cải trần thế họ sẽ bị lạc lối, sẽ bị đau khổ khi của cải không mãi mãi tồn tại với họ. Dân chúng say mê nghe lời giải thích của Chúa Giê-su và họ ngạc nhiên về những giáo huấn mới lạ của Chúa và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Chúa (xc. Lc 4, 22). Ngày nay, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục sứ mạng rao giảng Lời Chúa trong Hội Thánh và nhờ Hội Thánh. Chúa rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó thông qua các thừa tác viên và qua tất cả các Ki-tô hữu. Mỗi chúng ta, khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội chúng ta được trao ban sứ vụ tư tế, nghĩa là trở thành thừa tác viên của Chúa, trở thành người rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Vì thế, chúng ta hãy tiếp tục sứ mạng tư tế của Chúa Giê-su bằng cách gieo rắc niềm vui và ánh sáng, xoa dịu các nỗi đau về thể lý và tinh thần cho những đau khổ đang sống cạnh, sống chung quanh chúng ta hầu giúp họ thoát khỏi các nỗi khốn cùng, các nỗi sợ hãi: sợ bị bệnh tật, sợ bị bỏ rơi, nhất là trong đại dịch Covid-19, chúng ta bị cách ly không còn được giao tiếp cách tự do với người thân, với anh chị em sống với chúng ta. Nhìn vào thế giới chúng ta đang sống, con người ngày nay đang phải sống trong lo âu sầu khổ. Người ta đang phải ngụp lặn trong bóng tối của lầm lạc và trở thành nô lệ của tiền bạc, danh vọng. Cho nên, họ cần được lắng nghe Tin Mừng mà họ nghe Tin Mừng sao được nếu chúng ta, những người Ki-tô không rao giảng Tin Mừng cho họ. Họ vui sao được khi mà người Ki-tô hữu chúng ta vẫn còn làm ngơ trước những con người nghèo khổ, tệ hơn nữa chúng ta còn chạy theo con người thời nay cũng áp bức những người cô thế, cô thân, giam hãm tha thân trong ngục tù dưới nhiều hình thức khác nhau. Với Tông thư dưới dạng Tự sắc “Aperuit illis”- “Người mở trí cho các ông” (ngày 30.09.2019) Giáo Hoàng Phanxicô thiết lập: "Chúa nhật thứ ba mùa thường niên dành cho việc cử hành, suy niệm và phổ biến Lời Chúa". Trong tự sắc, Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhớ chúng ta rằng: Vai trò của Chúa Thánh Thần trong Kinh thánh là nền tảng. Nếu không có hành động của Thánh Thần, chúng ta sẽ dễ có nguy cơ nhốt bản văn theo chữ viết, khiến cho việc giải thích bản văn trở nên dễ dàng. Vì thế chúng ta phải cẩn thận để không phải bội đặc tính linh hứng, năng động, thánh thiêng của Sách Thánh. Như thánh Phaolô nhắc nhở: “Chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2 Cr, 3,6). Cuối tông thư Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chúng ta đừng bao giờ làm cho Lời Chúa trở nên nhàm chán. Chúng ta phải luôn để Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta theo một cách mới "về tình yêu thương xót của người Cha đòi yêu cầu con cái sống đức ái. Lời Chúa mở mắt chúng ta, mở cho chúng ta con đường chia sẻ và liên đới, cho phép chúng ta thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa làm chúng ta ngạt thở và cằn cỗi. Qua Lời Chúa hôm nay, ước gì mỗi chúng ta luôn ý thức sứ mạng làm ngôn sứ, tư tế của mình để chúng ta hăng say công bố Lời Chúa cho mọi người. Thanh Tùng, OMI. Ngày 22 tháng 01 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên