OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Lc 6,27-38: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Lm. FX. Vũ Minh Hiếu, OMI THA THỨ - CHÌA KHÓA MANG LẠI BÌNH AN Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, Trong các bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc, chúng ta thường nghe câu: “Quân tử trả thù, mười năm chưa muộn”. Báo thù, trả oán dường như là một định nghĩa về người quân tử. Quân tử là phải biết kiên trì trong việc trả thù những gì kẻ thù đã gây ra cho mình hoặc người thân. Việc báo thù tạo nên những cốt truyện ly kì, hấp dẫn, lôi kéo người xem bị cuốn hút trong hành trình báo thù. Thế nhưng, các bài đọc chúng ta nghe trong ngày hôm nay lại âm vọng lên thông điệp yêu thương và tha thứ, kể cả kẻ thù. Thật vật, trong bài đọc 1, Vua Sa-un sau nhiều lần truy đuổi để giết Đa-vít, nhưng khi có dịp thuận tiện để giết vua Sa-un, Đa-vít đã không làm điều đó mà đã tha thứ cho vua. Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô đã mời gọi các tín hữu hãy mang lấy hình ảnh của Đấng từ trời mà xuống, chính là Đức Ki-tô. Đức Ki-tô không chỉ dạy chúng ta yêu thương và tha thứ cho kẻ thù, mà chính Ngài cũng đã nêu gương khi cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Trong bài Tin Mừng theo theo thánh Luca, Chúa Giê-su đã mở ra con đường cho những người muốn nên trọn lành. Con đường nên trọn lành ấy mời gọi chúng ta vượt lên trên những gì là luân lý thông thường. Thật vậy, con người thường dễ yêu thương những ai yêu thương mình, nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi một tình yêu trọn vẹn hơn: yêu cả kẻ thù. Điều này không có nghĩa là dung túng điều xấu, nhưng là chiến thắng hận thù bằng lòng bao dung. Chúa dạy chúng ta tha thứ không phải chỉ vì người khác, mà chính là để giải thoát tâm hồn mình khỏi sự oán giận. Tha thứ không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà là sức mạnh của người có lòng nhân từ như Thiên Chúa. Có một câu chuyện kể rằng: Một người nọ trong lòng luôn cảm thấy bực tức khó chịu bởi những những trái ý mà người xung quanh gây ra cho mình. Người ấy đến gặp một vị tôn sư và xin ý kiến của ngài. Vị tôn sư đã chỉ cho người ấy một bí kiếp: “Con hãy về lấy một cái bao và mỗi lần một ai đó làm con bực tức, phiền lòng, con hãy bỏ một củ khoai tây vào trong đó và luôn mang theo bên mình. Con sẽ sớm vượt qua được những sự bực tức ấy”. Nghe lời vị tôn sư, người ấy về lấy một cái bao, bỏ những củ khoai tây vào và luôn mang theo bên mình. Những ngày đầu, số khoai tây ít nên còn nhẹ, nhưng càng ngày số khoai tây càng nhiều. Hơn nữa, những củ khoai tây để lâu ngày bắt đầu thối rữa và bốc mùi. Đến khi bao khoai trở nên quá nặng không mang theo được và hôi thối không chịu nổi nữa, người ấy chạy đến cầu cứu vị tôn sư: “Xin ngài giúp tôi giải quyết đống khoai tây này, chứ tôi chịu hết nổi rồi!”. Vị tôn sự nhẹ nhàng nói với người ấy: “Hãy bỏ nó xuống đất”. Khi bỏ bao khoai tây thối xuống đất, người ấy thở phào nhẹ nhõm. Những thù hận trong chúng ta cũng như những củ khoai tây, nếu chúng ta cứ giữ lại nó trong tâm hồn mình, thì chính chúng ta sẽ cảm thấy nặng nề, hôi thối. Tha thứ trước hết là giữ cho tâm hồn mình sự thanh thản, bình an. Hơn nữa, khi chúng ta tha thứ cho người khác là chúng ta đang thi hành lời mời gọi yêu thương tha thứ của Chúa. Và lời Chúa khẳng định: “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”. Amen. Ngày 22 tháng 02 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên Chúa Nhật XV – Thường Niên