OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Phêrô Hà Thái Hồ, OMI Tin Mừng (Lc 6,39-45) Khi ấy, Đức Giêsu kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em! “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” Suy niệm: Lời mời gọi hoán cải Tin Mừng Chúa Nhật tuần này vẫn tiếp tục đưa chúng ta vào khung cảnh “Bài giảng trên đồng bằng” của Phúc âm theo thánh Luca. Nếu như bài diễn văn quan trọng này của Chúa Giêsu được thánh sử Mátthêu đặt trong bối cảnh của “Bài giảng trên núi” (x. Mt 5–7), thì Luca lại đặt nó trên một đồng bằng, thậm chí thánh sử còn đặt Chúa Giêsu ở vị trí thấp hơn cả đám đông đang lắng nghe Người, đến nỗi để nói với họ, Chúa Giêsu phải ngước mắt lên (x. Lc 6,20). Chi tiết này thật sự làm nổi bật lên hình ảnh một Thiên Chúa ở giữa loài người “như một người phục vụ” (Lc 22,27), chứ không phải là người đứng trên người khác. Đây là một điểm rất đặc biệt. Tin Mừng theo thánh Luca còn được mệnh danh là Tin Mừng của lòng thương xót Chúa. Trong Phúc âm theo thánh Luca, lòng thương xót bao la của Chúa được diễn tả qua nhiều dụ ngôn, ví dụ như dụ ngôn Người Samari nhân hậu (x. Lc 10,29-37), dụ ngôn Con chiên lạc (x. Lc 15,4-7), dụ ngôn Đồng bạc bị mất (x. Lc 15,8-10), dụ ngôn Người cha nhân hậu (x. Lc 15,11-32) … Chính vì vậy, chúng ta cần hiểu rằng những lời mà Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn này không phải với giọng điệu buộc tội gay gắt, chỉ trích hay phán xét, mà là giọng điệu đầy sự quan tâm và lòng yêu mến. Ngài muốn giáo huấn những người đang lắng nghe, nhưng phong cách sư phạm của Người rất khác biệt: Ngài không đặt mình trên cao, không coi mình hơn người khác, không coi mình là người bề trên để giáo huấn người khác, nhưng hạ mình xuống ngang bằng với họ rồi từ từ tìm cách nâng họ lên. Chúng ta cũng được mời gọi thực hành như vậy trong việc sửa dạy những người mà chúng ta được giao phó trách nhiệm hướng dẫn. Hãy kiên nhẫn dùng lời nói nhẹ nhàng, chứa chan tình yêu thương và sự quan tâm. Lời nói rất quan trọng, đây là điều tác giả sách Huấn ca nói với chúng ta trong Bài đọc thứ nhất: “Sàng rồi, trấu ở lại sàng, nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay. Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay. Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người. Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng: muốn biết người, phải nghe miệng nói năng”. Bởi vì lời nói phản ảnh chính xác toàn bộ bản chất của một người. Lời nói phản ảnh tâm tư tình cảm của một người. Cho dù chúng ta có ý ngay lành, nhưng nếu chúng ta dùng lời nói không thích hợp thì cũng sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp gì cả. Có một sự khác biệt nữa nếu chúng ta đem so sánh với Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Trong Mátthêu, những lời này hướng đến những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó, các kinh sư và người Pharisêu, còn thánh Luca đã cập nhật cho cộng đoàn hiện tại trong thời của ngài. Đối tượng được hướng đến bây giờ chính là các môn đệ trong hội thánh của ngài. Vì vậy, sự giáo huấn trong đoạn dụ ngôn này cũng dành cho tất cả chúng ta, những người môn đệ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cảnh báo mỗi người chúng ta cần phải xem lại chính bản thân mình khi sửa dạy người khác. Sẽ có vấn đề nghiêm trọng khi chúng ta chỉ nhìn thấy “cái rác” trong con mắt người khác mà lại không nhìn thấy “cái xà” trong con mắt của mình. Bởi vì, những gì mà chúng ta nhìn thấy nơi người khác, một cách nào đó, cũng chính là cái xuất phát từ những gì chất chứa trong lòng của chúng ta. Có một câu chuyện minh họa điều này: Khi bạn mang một chiếc đồng hồ cổ, được gia đình truyền lại qua nhiều thế hệ, ra chợ để bán, chắc chắn sẽ chẳng có ai bỏ tiền ra mua cái đồng hồ cũ kỹ, xấu xí đó cả. Nhưng nếu bạn đem chiếc đồng hồ đó vào một tiệm đồ cổ, thì người chủ tiệm đồ cổ sẽ trả cho bạn số tiền bằng cả một gia tài. Tại sao vậy? Vì những người ở chợ không nhìn thấy được giá trị của chiếc đồng hồ, bởi vì trong lòng họ, trong “kho tàng” của họ không có kiến thức về lĩnh vực đó. Trong khi đó, người chủ tiệm đồ cổ thì có nên ông ta nhận ra giá trị của nó. Kho tàng của con người là những gì con người đón nhận vào bên trong mình và tích trữ, tức là biến thành di sản của mình. Người chỉ chú ý đến bản thân mình, đến lợi ích của mình, đến ham muốn quyền lực và thống trị thì khi nhìn thấy một món đồ giá trị nào đó thì luôn tìm cách để chiếm đoạt được nó. Người tích tụ trong mình sự oán giận và hận thù thì làm sao có thể nói lời yêu thương. Người tích tụ trong mình sự nhỏ nhen và ích kỷ thì làm sao cảm thông và tha thứ cho người khác được. Đó chính là điều mà Chúa Giêsu nói đến: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra”. Cũng vậy “cái rác” mà chúng ta nhìn thấy trong mắt người cũng khác rất có thể là cái được phóng chiếu từ “kho tàng” là “cái xà” trong mắt của chúng ta mà ra. Chúa Giêsu - Người có “kho tàng” chứa đầy tình yêu và lòng thương xót - luôn “chạnh lòng thương” với tất cả mọi người, kể cả những kẻ tội lỗi. Ngài yêu thương hết thảy mọi người. Ngài lên án tội lỗi nhưng không bao giờ kết án tội nhân. Vậy mỗi người chúng ta, qua Lời Chúa trong đoạn Tin Mừng hôm nay, hãy xét xem liệu mình đang là loại cây nào? Trong lòng chúng ta đang chứa đựng loại kho tàng nào? Một cách hiệu quả giúp chúng ta nhận ra chính mình là xét lại các hành vi, việc làm và lời nói của chúng ta đối với tha nhân. Lời Chúa hôm nay như là một lời mời gọi chúng ta hãy xét mình, hoán cải bản thân để chuẩn bị cho việc bước vào Mùa Chay, sẽ bắt đầu vào thứ Tư tới. Ngày 01 tháng 03 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên Chúa Nhật XV – Thường Niên