OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật V - Thường Niên A Chúa Nhật Chúa Nhật V - Thường Niên A Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Tin Mừng Mt 5,13-16 Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu. Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Suy niệm: Vào ban tối, cứ mỗi lần bị cúp điện, chúng ta tìm mọi cách để cho có ánh sáng: bấm đèn pin, thắp lên một ngọn nến, thắp lên một ngọn đèn dầu… Những lúc như thế, chúng ta mới thấy sự cần thiết của ánh sáng đối với đời sống con người như thế nào. Đức Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc của đời thường này để cho chúng ta biết Người chính là ánh sáng và mỗi người chúng ta được mời gọi phản chiếu ánh sáng của Người. 1. Đức Giêsu là Ánh Sáng cho thế gian Thật vậy, Đức Giêsu là ánh sáng thế gian. Chính Người đã khẳng định: “Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Đức Giêsu chính là ánh sáng chiếu soi tâm hồn, để dẫn bước chúng ta trên con đường tìm gặp Chúa. Khi Người bắt đầu cuộc sống công khai, Tin mừng đã áp dụng lời tiên tri Isaia sau đây cho Người: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4,16). Ánh sáng đó chính là con người của Người: Đó là ánh sáng bao phủ các mục đồng khi sứ thần loan báo tin vui; đó là ánh sáng của ngôi sao lạ chỉ đường cho các nhà đạo sĩ đến gặp Hài Nhi Giêsu; đó là ánh sáng chói lòa bao phủ lấy Người trong biến cố biến hình trên núi Taborê; đó là ánh sáng đã quật ngã Phaolô trên đường Đamát, khiến Phaolô từ một người bắt bớ các Kitô hữu đã trở thành người loan báo Tin Mừng. Ánh sáng đó chính là Lời của Người: Lời của Người được ghi chép lại trong các sách Tin mừng. Lời đó cũng chính là giáo huấn của Người. Thật vậy, Lời của Người đã xua trừ ma quỷ. Lời của Người đã chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Lời của Người đã cho kẻ chết sống lại. Lời của Người đã biến đổi biết bao tâm hồn từ trong tối tăm của sự chết đến ánh sáng huy hoàng. Lời của Người là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sáng chỉ đường con đi (x. Tv 119,105). Giải thích Lời Người là đem lại ánh sáng cho kẻ đơn sơ thông hiểu am tường (x. Tv 119,130). Ánh sáng đó chính là hiệu quả các Bí tích mà Người đã thiết lập: Bí tích Rửa tội xóa tan tội Nguyên tổ và các tội riêng, giúp con người trở nên con Thiên Chúa; Bí tích Giao hòa, trả lại cho con người tội lỗi trở lại tình trạng nguyên thủy ban đầu; Bí tích Thánh Thể, gia tăng ơn thánh hóa và giúp cho người Kitô hữu đón nhận chính Đức Giêsu…Như vậy, các Bí tích nhằm mục đích giúp con người lãnh nhận thêm ánh sáng của Đức Giêsu. 2. Các con là ánh sáng thế gian Chúng ta được đón nhận ánh sáng của Đức Giêsu ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Ngọn nến được trao cho chúng ta trong ngày hồng phúc đó chính là hình ảnh Đức Giêsu Kitô. Từ đó, chúng ta tiếp tục đón nhận ánh sáng của Đức Giêsu qua việc lãnh nhận các Bí tích, qua việc đọc và suy gẫm Lời Chúa…Đặc biệt, chúng ta lãnh nhận ánh sáng Chúa Kitô qua đời sống cầu nguyện. Khi cầu nguyện là chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa. Nhờ cầu nguyện chúng ta được thêm sức mạnh, nạp thêm năng lượng thiêng liêng từ Thiên Chúa. Chính Mẹ Têrêxa Calculta đã nói: “Cầu nguyện là công việc nạp bình, còn hoạt động là công việc tỏa sáng”. Khi đã đón nhận ánh sáng từ Chúa, chúng ta có nhiệm vụ chiếu tỏa ánh sáng đó cho những người chung quanh. Đức Giêsu đã nói “Chính anh em là ánh sáng thế gian” (Mt 5,14); “Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên giá hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5,15-16). Người kitô hữu cần tỏa ánh sáng của đời sống nội tâm. Khi chúng ta biết sống gắn bó với Chúa qua đời sống cầu nguyện, qua việc đọc và suy gẫm Lời Chúa, qua việc lãnh nhận các Bí tích…thì sự thánh thiện sẽ được lan tỏa ra nơi chúng ta để cho người ta thấy, cả những khi chúng ta không nói gì. Ngày kia, thánh Phanxicô Assidi nói với một thầy dòng: "Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo". Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi: "Con nghe ngài nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!" Thánh Phanxicô đáp: "Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồn của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao?" Câu trả lời của thánh Phanxicô Assidi thật là chí lý. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Người kitô hữu cần tỏa ánh sáng bác ái yêu thương. Bài đọc I, tiên tri Isaia mời gọi chúng ta: "Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi” (Is 58,7). Chính Đức Giêsu cũng đã nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35). Ngoài ra, người kitô hữu cần chiếu tỏa nhiều loại ánh sáng khác nhau để hầu có thể xua tan bóng tối. Bởi vì, chúng ta đang sống trong một xã hội mà bóng tối tội lỗi lan tràn. Chúng ta không thể ngồi đó mà than thân trách phận, nhưng hãy chiếu tỏa ánh sáng, dù là một tia sáng nhỏ bé, như ai đó đã nói: “Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”. Nếu mỗi người chúng ta cố gắng thắp lên một ngọn nến của tình thương và lòng tốt, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng được bóng tối, sự dữ, oán thù. Ánh sáng sẽ bừng lên. Tiên tri Isaia đã khẳng định: “Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm dọa, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày” (Is 58, 9-10). Một buổi tối nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng một trăm ngàn người tại sân vận động trường Los Angeles. Đang diễn thuyết, bỗng ông dừng lại và nói: "Xin các bạn đừng sợ. Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này". Đèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc. Ông John Keller nói tiếp: "Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: "Đã thấy!" Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên: "Đã thấy!" Sau khi đèn được bật sáng, ông John Keller giải thích: "Ánh sáng của một hành động nhân ái nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy". Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: "Tất cả những ai có mang theo hộp quẹt, xin hãy đốt cháy lên!" Bỗng chốc, cả sân vận động trường rực sáng. Ông John Kener kết luận: "Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta." Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn trở nên ánh sáng soi chiếu cho những người xung quanh, để qua đó họ nhận biết Chúa là ánh sáng thật, là ánh sáng dẫn đến nguồn ơn cứu độ. Amen. Lm. Anthony Trung Thành Ướp Đời Muối và lửa có bà con, họ hàng thân thiết với nhau từ trong bếp lên đến nhà và có mặt cạnh mâm cơm. Bữa cơm tối nơi đồng quê thường có ánh đèn dầu dù lu mờ vẫn soi đủ sáng cho bữa ăn thanh đạm. Nơi phố thị đôi khi ánh đèn cầy lấp lánh thay thế ánh đèn điện tạo nên khung cảnh tình tứ, thơ mộng. Muối và lửa ưa sống gần nhau, cả hai cần cho việc bếp núc, hỗ trợ nhau về phương diện thực phẩm. Muối có khả năng cầm giữ cho thực phẩm lâu hư. Lửa cũng có tác dụng không kém.Thực phẩm nấu chín giữ được lâu hơn là để sống. Kết hợp giữa muối và lửa là cách giữ thực phẩm an toàn và lâu nhất. Có loại thực phẩm nấu gần chín trước khi bỏ muối. Lại cũng có loại thực phẩm cần ướp muối cho thấm trước khi nấu. Biết gia giảm hài hoà giữa muối và lửa là tài nghệ riêng của đầu bếp trứ danh. Họ biết khi nào phải bỏ muối, khi nào phải tăng giảm lửa. ‘Cơm sôi bé lửa chẳng khê khắm gì’ là lời khuyên căn bản trong việc bếp núc. Công dụng của muối Muối cần thiết cho cơ thể. Thiếu muối cơ thể sinh hoạt bất thường. Quá nhiều muối làm cao máu. Nước biển có muối mặn, vì thế có thể tắm lâu trong nước biển; trong khi tắm lâu trong sông, rạch, hồ, ao, da bị nhăn, gọi là thiu tay chân. Muối và ánh sáng ngoài công dụng cầm giữ thực phẩm lâu hư còn có khả năng khử trùng. Muối làm tăng vị, giúp ăn ngon miệng. Lạt quá mất ngon, mặn quá không thưởng thức được. Ánh sáng cũng tác dụng không kém, nhờ ánh sáng kích thích tâm lí khiến cho tâm hồn thoải mái, khung cảnh hài hoà làm cho thực phẩm thú vị hơn. Xem thế muối lợi về phương diện thể lí; ánh sáng lợi về phương diện tâm lí. Bản chất của muối là mặn, không mất vị mặn ngay cả khi để trong kho lâu ngày, muối vẫn giữ vị mặn nguyên chất. Cách duy nhất có thể làm nhạt muối khi trộn muối chung với thứ khác như pha trong nước, trong bột hoặc dùng lửa đốt muối cháy thành than. Sức nóng không tiêu huỷ hết chất mặn trong muối mà chỉ làm thay đổi vị mặn của muối. Muối và lửa, tuỳ vào công dụng mà được phân chia thành nhiều loại khác nhau. Phúc âm xác định rõ ràng khi đề cập đến muối và ánh sáng: Chính anh em là muối cho đời…. là ánh sáng cho trần gian. Muối ướp đời. Đức Kitô nói rõ chính anh em là muối cho đời. Ánh sáng cho trần gian. Người không nói là nên như muối hay học từ muối mà nói: chính anh em là muối cho đời. Như thế nhiệm vụ chính của người Kitô hữu là sống mang lại lợi ích cho đời. Cuộc sống chứng nhân cho Chúa giữa trần gian. Sống để làm sáng danh Chúa và mang lại niềm vui, hy vọng cho mình và cho xã hội loài người. Kitô hữu cần mang sức sống an lành vào nơi bất an. Mang tin yêu, hy vọng vào nơi thất vọng. Sống tinh thần Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô. Cho đời lên hương. Nhiệm vụ của Kitô hữu là muối cho mọi người, giúp họ trở thành người tốt bằng cách chính mình sống đời sống tốt, để lời nói, hành động của mình trở thành muối cho đời. Là ánh sáng chiếu dọi khắp gian trần, không phải chỉ chiếu sáng một vùng trời mà cho cả gian trần. Ý tưởng trên có tham lam quá chăng? Thưa không bởi vì Kitô hữu không làm việc tuỳ hứng, cá nhân, đơn độc nhưng làm việc theo tinh thần chung. Tinh thần Kitô hữu là tinh thần cộng đoàn, tập thể, đại gia đình Chúa. Mọi người là anh chị em, cùng chung một Cha. Tinh thần cùng làm lợi cho nước trời, không phải cho cá nhân mình mà cho Nước Cha trị đến. Cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời theo tinh thần Kinh Lậy Cha. Phản ứng Là ánh sáng chiếu soi gian trần, là muối ướp đời nên cuộc sống người Kitô hữu luôn phấn đấu giữa tích cực và tiêu cực. Xã hội đời có phản ứng tích cực bằng cách chấp nhận chào đón, để cho lối sống của người Kitô hữu ảnh hưởng trên xã hội, thay đổi lối sống xã hội. Phản ứng tiêu cực là chống lại, từ chối hay loại trừ những gì trái với bản chất, khuynh hướng xã hội ưa thích. Đời sống Kitô hữu chắc chắn sẽ gặp đối kháng, phê bình, chỉ trích và ngay cả bị bách hại, tù đầy là điều không thể tránh. Ánh sáng và muối Kitô hữu ướp đời không khéo sẽ bị muối đời, bóng tối xã hội bao phủ, tấn công và lui vào thế mất phẩm chất. Người Kitô hữu tốt không để cho văn hoá hưởng thụ, văn hoá sự chết, văn hoá khoái lạc, pha trộn làm giảm giá trị hay mất phẩm chất muối đời mình. Muối Kitô hữu mất phẩm chất khi nó tự tin vào khả năng riêng của nó, khi thiếu khiêm nhường, khi một mình xông pha vào cuộc sống mà thiếu sự cộng tác thành tâm, với lòng mến của các Kitô hữu khác. Nhất là thiếu niềm tin vào Thiên Chúa. Lúc đó muối người Kitô bị pha trộn quá nhiều loại văn hoá sự chết, sa đoạ. Ánh sáng Phúc âm không toả sáng giúp đời mà trái lại bị bóng tối gian trần bao phủ, làm giảm hiệu năng. Muối bị hoá chất. Muối bị đời thoái hoá không thể ướp được đời. Loại muối khác là giữ kín trong kho, lợi ích của muối bị giam kín trong bao, bị, ích chi cho đời, ngoại trừ chủ nó cất kĩ làm của hồi môn. Loại ánh sáng bị che phủ làm giảm mức sáng. Phúc Âm giải thích loại muối và ánh sáng trên có cũng như không, khác chi vô dụng. Ánh sáng Ánh sáng và bóng tối luôn đố kị nhau. Ánh sáng mạnh sẽ phá tan bóng tối. Bóng tối dầy đặc sẽ ngăn cản ánh sáng. Nhờ bước đi trong ánh sáng mà ánh sáng soi đường đi. Đi trong ánh sáng ít bị vấp té. Nếu bóng tối là dấu chỉ của thất vọng, tuyệt vọng thì ánh sáng trái lại là dấu chỉ của hy vọng, dấu chỉ của sự sống. Bởi vì nơi đâu có hy vọng nơi đó có sự sống, có mầm sống mới. Hãy đặt trọn niềm tin vào ánh sáng Đức Kitô là ánh sáng không bao giờ tàn lụi, không bóng tối nào che khuất được. Lm Vũ Đình Tường Ngày 08 tháng 02 Năm 2020 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên