OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XI – Thường Niên Chúa Nhật Chúa Nhật XI – Thường Niên Hạt cải là loại nhỏ nhất, nhưng đã trở thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ. Tin Mừng Mc 4,26-34 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này : “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh hoa kết quả : trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.” Rồi Người lại nói : “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây ? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được ? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết. Suy niệm: NƯỚC THIÊN CHÚA ĐÃ VÀ ĐANG HIỆN DIỆN NƠI TRẦN THẾ 1. THIÊN CHÚA THỰC HIỆN LỜI HỨA GIEO VÀO THẾ GIỚI, VÀO TÂM HỒN CON NGƯỜI NƯỚC THIÊN CHÚA *Ed 17,22-24: “Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi”. Lời tiên tri của Ê-dê-kien, Tiên tri khiến chúng ta liên tưởng đến lời tiên tri trước đó của Isaia đã loan báo về Đấng Kitô sẽ đến: “Một chồi non đã nảy lộc từ gốc Giesê” (Is 11,1). Điều này được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người. “Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành”. Đây chính là điều nói về Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô là hình ảnh của nước Trời tại thế trong thời Tân Ước. *Mc 4,26-34: “Hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng." Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết. Tại sao Ðức Giêsu nói với người ta bằng dụ ngôn? Giống như các thầy Rabi thời đó, Ðức Giêsu đã sử dụng những hình ảnh trong cuộc sống thường ngày, bằng lời đơn giản, gọi là dụ ngôn, để về Nước Thiên Chúa. Giáo phụ Cyril thành Alexandria (150-215 AD) đã mô tả mục đích các dụ ngôn của Ðức Giêsu như sau: Các dụ ngôn là những hình ảnh trong thực tại, để ngụ ý nói về Nước Trời, những điều trừu tượng không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Dụ ngôn bộc lộ, truyền tải sự khôn ngoan vượt trên lý trí. “Khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.” Chỉ những người đến với Đức Giê-su, trở nên môn đệ của Người, mới được Chúa Giêsu mặc khải ý nghĩa dụ ngôn. Chúa Cha mặc khải cho những người môn đệ bé mọn của Đức Giêsu: “Được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."” (Lc 10,21-22). 2. NHỮNG NGĂN TRỞ KHÔNG CHO MẦM NƯỚC THIÊN CHÚA PHÁT TRIỂN “Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.”(2 Cor 5,10). Tâm trí những người đang còn u mê - hướng chiều về sự dữ, đó là tình trạng của địa ngục. Chẳng những họ gây hại cho linh hồn mình, mà còn gây ra ảnh hưởng xấu đến người chúng quanh Đam mê, dục vọng, mặc cảm, lo lắng sẽ bóp nghẹt mần sống Thiên Chúa trong mình, trong gia đình. Giận hờn ghen ghét sẽ bóp nghẹt Nước Thiên Chúa trong tâm hồn. Ví dụ: Healthday dẫn lời các nhà khoa học Mỹ: Sự xung đột trong gia đình, cộng đoàn sẽ ảnh hưởng đến người khác, nhất là trẻ nhỏ: Sự nóng giận đập phá đồ đạt, la hét, sự bất hòa giữa cha mẹ có thể gây ra vết tổn thương tình cảm cho con trẻ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những trẻ ở độ tuổi mẫu giáo có cha mẹ thường xuyên tranh cãi thì chúng cảm thấy tình cảm ít an toàn và thường gặp rắc rối về sức khỏe tinh thần như buồn chán, lo lắng... Hận Thù sẽ thiêu rụi cả rừng công đức, thiêu rụi cả cây Nước Trời trong tâm hồn. 3. THẾ NÀO LÀ TIN VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA? Tin vào Nước Thiên Chúa đã và đang hiện diện có nghĩa là tín thác hoàn toàn vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa toàn năng, không càm ràm, than thân trách phận, nhưng tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. “Dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng ta chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người” (2 Cor 5,9). CÂU CHUYỆN: 57 xu Một cô bé đang đứng thổn thức bên cạnh một nhà thờ nhỏ sau khi đã chạy vòng vòng mà không vào được bên trong vì “nhà thờ chật cứng”. “Con không vào được lớp học Chủ Nhật” (Sunday School: lớp học mà nhà thờ thường mở vào ngày chủ nhật để dạy giáo lý và chữ cho trẻ em), cô bé nức nở nói với vị giám mục vừa đi tới. Nhìn bộ dạng tiều tụy, nhếch nhác của cô bé, vị giám mục hiểu ngay ra nguyên do, và cầm tay cô bé dẫn vào trong, tìm cho cô một chỗ trong lớp học. Đêm hôm đó, cô bé lên giường ngủ mà đầu chỉ nghĩ tới những đứa trẻ không có chỗ để thể hiện lòng tôn kính đối với Chúa. Khoảng 2 năm sau đó, cô bé đã chết trong một chung cư tồi tàn. Cha mẹ của cô bé gọi điện cho vị giám mục - người đã trở nên rất thân thiết với cô bé, đến để chủ trì buổi lễ tang. Khi di chuyển thi hài của cô bé nghèo, người ta đã tìm thấy một chiếc ví rách nát và bẩn thỉu tựa như được moi ra từ đống rác, trong đó có 57 xu và một tờ giấy xé nham nhở viết trên đó vài dòng chữ nghoệch ngoạc của đứa trẻ: “Để giúp đỡ xây dựng một nhà thờ lớn hơn cho nhiều đứa trẻ có thể đến Lớp học ngày Chủ nhật”. Đó là kết quả trong 2 năm trời dành dụm với cả tấm lòng hy sinh không chút vụ lợi của cô bé. Khi đọc những dòng chữ này, vị giám mục đã không thể cầm được nước mắt. Mang theo mảnh giấy và chiếc ví rách nát trong những buổi lễ, vị giám mục kể cho mọi người câu chuyện về tấm lòng hy sinh cao cả của đứa bé. Ông đã bỏ ra rất nhiều công sức để kêu gọi, quyên góp tiền xây dựng một nhà thờ rộng hơn. Nhưng câu chuyện này không chỉ dừng lại ở đó. Một tờ báo có uy tín đăng câu chuyện về cô bé, và có một nhà kinh doanh bất động sản đã đọc được nó. Ông ta đề nghị nhượng bán cho nhà thờ một mảnh đất rộng, mà giá trị hồi đó lên tới nhiều ngàn đô la, với giá chỉ có… 57 xu. Các tín đồ đã tổ chức một đợt quyên góp quy mô rộng và lớn chưa từng có, chỉ chưa đầy 5 năm số tiền đã lên tới 250.000 đô la - một số tiền rất lớn thời bấy giờ (cách đây gần một thế kỷ). Tấm lòng nhân hậu cao cả của cô bé đã được đền đáp một cách xứng đáng. Nếu có dịp qua thành phố Philadelphia, mời bạn ghé thăm Nhà thờ Temple Baptist (Nhà thờ Thánh rửa tội) với sức chứa 3.300 người; và trường đại học Temple, nơi mà hàng trăm sinh viên đang theo học. Và bạn cũng nên ghé thăm Bệnh viện Good Samaritan (Bệnh viện hội bác ái) cùng với Trường học ngày Chủ nhật, nơi dành cho hàng trăm đứa trẻ tham dự Lớp học ngày Chủ nhật, và sẽ không còn đứa trẻ nào trong vùng phải đứng bên ngoài vào ngày chủ nhật nữa.Trong một căn phòng của toà nhà, bạn có thể tìm thấy một tấm hình với khuôn mặt dễ thương của cô bé gái, người với 57 xu và sự hy sinh của mình, đã làm nên một câu chuyện thần thoại.Ngay bên cạnh đó, tấm hình của vị Giám mục - Dr.Russell H.Conwell, tác giả của cuốn sách “Cánh đồng Kim cương”. Đó là một câu chuyện có thật, minh chứng rằng qua một tâm hồn cao thượng và tấm lòng hy sinh cao cả, chỉ với 57 xu, Chúa đã làm cho Nước Thiên Chúa tỏa lan rợp bóng tại Philadelphia. (trích Quickinspirations - Phạm Minh, Nguồn: Ngọn Nến Nhỏ) Lm Giuse Đinh Kim Chí, OMI. Sức Mạnh Kỳ Diệu Của Hạt Giống Tin mừng Mc 4:26-34: Mỗi người Kitô Hữu cũng là những hạt giống mà Chúa đã gieo vào lòng đất Việt qua việc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Ngày 19/06/2018, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hân hoan khai mạc Năm Thánh, kỷ niệm 30 năm ngày phong thánh cho Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đậy là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành ân sủng và đức tin của Giáo Hội Việt Nam. Chính vì điều này mà trong thư công bố Năm Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã viết: “Năm Thánh 2018 mời gọi mọi tín hữu chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Việc học hỏi này vừa giúp chúng ta hiểu biết hơn về lịch sử Hội Thánh và Các Thánh Tử Đạo, vừa thúc đẩy chúng ta noi theo gương sống của các ngài”; bên cạnh đó, “Năm Thánh 2018 nhắc nhở và thúc đẩy tất cả chúng ta sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay. Bằng cái chết của mình, Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trước mặt vua chúa, quan quyền và mọi người rằng Nước Trời là ‘kho tàng chôn giấu trong ruộng’ và ‘ngọc quý vô giá’ nên khi tìm được, các ngài sẵn sàng bán tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống, để ‘mua thửa ruộng và ngọc quý đó’ (x. Mt 13,44-46). Ngày nay, các Kitô hữu cũng được kêu gọi sống tinh thần hi sinh, từ bỏ theo bậc sống của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời”. Khi tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam như vậy, Giáo Hội ca ngợi sự hy sinh cao quý của các thánh. Bởi vì các ngài đã chấp nhận trở thành hạt giống gieo vào lòng đất, thối đi và mọc lên để trở thành những cây to lớn mang lại hoa trái dồi dào cho Giáo Hội. Các ngài đã hy sinh tất cả, đánh đổi tất cả để làm vinh danh Chúa và phần rỗi của các linh hồn. Có thể nói: các ngài chính là những hạt giống âm thầm, bền bỉ, trung kiên, nhỏ bé nhưng mãnh liệt. 1. Ý nghĩa các dụ ngôn Hôm nay, qua Bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng dụ ngôn để nói cho dân chúng biết về mầu nhiệm Nước Trời. Trước tiên là dụ ngôn người gieo giống. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự kiên trì của người gieo và sức mạnh nội tại của hạt giống. Ngài nói: Hạt giống được gieo xuống đất, đêm hay ngày, người gieo dù ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm, mọc lên và sinh hoa kết quả (x. Mc 4, 27-28). Khi khẳng định điều này, Đức Giêsu muốn dạy cho dân chúng và nhất là các môn đệ bài học về sự sống tiềm tàng của hạt giống. Người gieo phải kiên trì, khiêm nhường và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Lòng nhiệt tình của người nông phu sẽ được đến đáp xứng đáng. Bởi vì, việc hạt giống mọc lên và sinh hoa kết trái vượt ra xa khỏi tầm kiểm soát của con người. Sống trong một hoàn cảnh như thế, người môn đệ sẽ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa để cậy trông vào Người. Đây là tiến trình trưởng thành của đức tin. Điều này phù hợp với giáo huấn của thánh Phaolô: “Phaolô trồng, Apolô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên (1Cr 3,6)”. Thứ đến, Đức Giêsu dùng dụ ngôn hạt cải để nói về Nước Trời. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn trình bày Nước Trời dưới một góc độ khác! Hạt cải nhỏ bé ở đây chính là Giáo Hội. Một Giáo Hội khởi đi từ nhóm người hết sức nhỏ bé vỏn vẹn chỉ có 12 người. Rồi hạt cải ấy bị biết bao khó khăn trù dập…. Ấy thế mà hạt cải vẫn lớn lên và to cao lạ thường, đến nỗi chim trời đến làm tổ và cư ngụ ở đó cách an toàn. Điều kỳ diệu này cũng được tiên tri Ezekien nói đến trong bài đọc I hôm nay, ngài nói:“Từ ngọn cây hương bá cao chót vót, ta sẽ ngắt một chồi non. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao, nó sẽ trổ cành kết trái thành cây hương bá huy hoàng. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp” (x. Ed 17, 22 - 24). Lời tiên báo này, vị tiên tri muốn nói đến đường lối của Thiên Chúa thật phi thường không ai có thể ngờ được. Còn với thánh Phaolô, qua Bài đọc II, ngài đã xác định yếu tố cần thiết để hạt giống đức tin được lớn lên và trưởng thành, đó là: hãy ra khỏi thân xác ích kỷ và hưởng thụ, để được gần Thiên Chúa và thuộc về Người. Nói cách khác, thánh nhân nhấn mạnh đến việc: hạt giống tâm hồn của chúng ta được lớn lên là nhờ ơn Chúa và sự nỗ lực không ngừng. Một sự hy sinh liên lỷ. Tất cả những cộng góp đó, làm cho đức tin lớn mạnh và vững vàng…. 2. Bài học cho người Kitô Hữu Hữu Dựa trên ý nghĩa hai dụ ngôn, chúng ta lần dở lại lịch sử cứu độ, nhất là lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, hẳn ai cũng thấy: có những lúc Giáo Hội luôn gặp những thử thách từ nhiều phía. Thế nhưng, sự kiên trì và dũng cảm của các bậc tiền nhân đã làm cho hạt giống đức tin được lớn mạnh không ngừng và trổ sinh hoa trái thật xum xuê như hiện nay. Sự lớn mạnh như vậy, không hệ tại nơi con người như trong bài Tin Mừng Đức Giêsu đã nói: hạt giống cứ âm thầm mọc lên. Chỉ cần có cơ hội là mở tung, phá vỡ vỏ hạt để đâm trồi nảy lộc. Mỗi người Kitô Hữu cũng là những hạt giống mà Chúa đã gieo vào lòng đất Việt qua việc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Hạt giống của mỗi người chúng ta đã biết bao lần gặp phải sóng gió, phong ba, bão táp ập đến. Nhưng nhờ ơn Chúa, hạt giống đức tin ấy vẫn lớn lên ngay trong những thử thách và đã trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng. Tuy nhiên, vẫn còn đó biết bao hạt giống chưa chịu bức phá ra khỏi cái vỏ hạt xù xì xấu xa của mình để vươn lên đón ánh mặt trời và lớn lên như những hạt giống khác. Sự khác biệt giữa mọc lên và nằm yên chính là việc có chấp nhận vượt ra khỏi vỏ bọc ích kỷ, tự phụ, kiêu căng để sẵn sàng bung ra với sự kiên trì, can đảm, nhằm đạt được những hoa trái thánh thiện và tốt lành của những đức tính như bác ái, từ bi, nhân hậu hay không? Có sẵn sàng vượt ra khỏi định kiến cá nhân, bảo thủ, để nghĩ đến người khác như: vợ chồng, con cái biết nghĩ, biết sống cho nhau và vì nhau? Mái nhà của gia đình có thực sự là nơi an toàn để mọi thành viên hưởng nếm sự ngọt ngào của yêu thương, sự quan tâm và lòng liên đới hay là nơi cắn xé, chửi bới, la rày nhau? Bao lâu trong mái nhà ấy, mỗi thành viên chưa nghiệm thấy và đụng chạm được sự bình an, hạnh phúc và niềm vui, thì bấy lâu gia đình ấy là hỏa ngục, nơi chôn giấu những hạt giống ích kỷ, vụ lợi, thực dụng, kiêu ngạo. Ngược lại, mỗi người hãy làm cho gia đình mình chan chứa niềm vui khi mỗi người là những cành yêu thương, hoa nhân ái và quả đạo đức. Được như vậy, mỗi gia đình là cung thánh của lòng thương xót, để nơi ấy, tình thương của Thiên Chúa được diễn đạt rõ nét cho anh chị em xung quanh. Là nơi an toàn cho những cánh chim đang mỏi mệt, thất vọng. Nói cách khác, khi sống xứng đáng là người Kitô Hữu thực thụ với những đặc tính yêu thương bác ái, chúng ta sẽ là nơi nương tựa của những người đau khổ, bất hạnh, bị bỏ rơi, những người cô thế cô thân, những người bị áp bức bóc lột, đói khát bần cùng. Trở thành điểm tựa và niềm hy vọng cho những ai đang đánh mất niềm tin, đang xa đọa vào những con đường tội lỗi để dẫn đưa họ về với Chúa. Có thế, chúng ta mới thực sự làm cho Nước Chúa lan rộng khắp nơi và lớn mạnh không ngừng như hạt cải tuy nhỏ bé, nhưng lớn lên vĩ đại. Lạy Chúa Giêsu, hạt giống nơi tâm hồn mà Chúa đã gieo vào lòng mỗi người ngày chúng con lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Chúa mong ước cho hạt giống ấy mọc lên để thành những cây cao lớn làm nơi nương ẩn cho những ai cần đến. Tuy nhiên, chúng con đã hồ đồ, ích kỷ, kiêu ngạo và không kiên định, nên làm cho hạt giống mà Chúa đã tin tưởng gieo vào tâm khảm chúng con bị chết nghẹt nơi thửa đất cằn khô sỏi đá. Xin Chúa tha thứ và ban ơn giúp sức, để chúng con kiên trì, can đảm vươn ra khỏi những vỏ bọc an toàn tạm thời để làm cho danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được trị đến trên khắp hoàn cầu. Amen. Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P. Nguồn: gplongxuyen.org Ngày 11 tháng 06 Năm 2021 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên