OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Chúa Nhật Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Trên trời ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối. Tin Mừng Lc 15,1-32 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này : “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được ? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.’ Cũng thế, tôi nói cho các ông hay : giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” Rồi Đức Giê-su nói tiếp : “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng : ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng ; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng. “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời : ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha : ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !’ “Nhưng người cha nói với anh ta : ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.’” Suy niệm: 1. DUNG MẠO CỦA THIÊN CHÚA THEO LỐI NHÌN TRONG CỰU ƯỚC: Thiên Chúa dẫn dắt dân, trừng phạt những kẻ không trung thành ĐỨC CHÚA lại phán với ông Mô-sê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn” (Xh 32,7-11). Phải chăng Đức Chúa muốn hủy diệt dân Ít-ra-en, nhờ Mô-sê kêu cầu Chúa, cố làm Người dịu nét mặt, không phạt dân nữa? Đây là cách nói nhân hóa về Thiên Chúa. Có lẽ đây cũng chính là diễn tả cú sốc trong nội tâm của Mô-sê. Ông cảm thấy tức giận với dân bất trung, máu nóng bốc lên đầu, nhưng khi thấy hậu quả của dân bất trung sắp bị sự dữ hủy diệt, nhưng ông hồi tâm kêu cầu Chúa. Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: “Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập? … ĐỨC CHÚA đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe. → Bài học: Khi chúng ta nóng giận, chúng ta dần lâm vào tình trạng hỏa ngục, hủy diệt chính mình, người khác và cả môi trường chung quanh… Biết hồi tâm, kêu cầu Chúa thương xót, chúng ta sẽ được cứu. 2. LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA ĐƯỢC MẶC KHẢI TRONG TÂN ƯỚC Nếu hiểu theo lý trí phán đoán của con người, dụ ngôn Đức Giêsu đưa ra hôm nay (Lc 15,1-10) nói đến hai người có vẻ bị “tâm thần”: - Người tâm thần thứ nhất là người chăn chiên. Anh ta dám để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Anh không sợ sói đến xơi bày chiên sao? - Người tâm thần thứ hai: người phụ nữ có mười đồng quan, đánh mất một đồng, thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được... Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất”. Liệu bà có phải chi tiền mừng vui với hàng xóm hơn cả một quan tiền chăng? Nhưng khi đọc Kinh Thánh, trong sự linh hứng, tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa dụ ngôn Đức Giêsu dùng để giảng dạy chúng ta hiểu và sống Lời Chúa. Trong các Tin Mừng, nhất là Tin Mừng Nhất Lãm, đã ghi lại rất nhiều câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu; có đến một phần ba nội dung của Tin Mừng được kể bằng dụ ngôn. Đây là những câu chuyện đơn giản, ngắn gọn, với những hình ảnh quen thuộc được rút ra từ cuộc sống thường ngày, như: gieo giống, đánh cá, chăn chiên, người làm vườn nho, tiệc cưới… nhằm truyền đạt những sứ điệp thiêng liêng như: tình yêu, sự tha thứ, Nước Trời, đức tin, cánh chung… Ý nghĩa của dụ ngôn: Chúa Giêsu nói với chính tôi: Hãy ăn năn sám hối, Ta đã và đang hiện diện bên con. Cả triều thần thiên quốc sẽ vui mừng vì con hoán cải quay về với Ta. “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn....giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,7.10). Ai cũng là tội nhân (x. Rm 5,12). Nhưng những người cho mình vô tội, tưởng mình đạo đức, công chính, không cần đến lòng thương xót của Chúa, là kẻ đang ở tình trạng xa Chúa. Họ là những người kiêu ngạo, sống trong bóng tối Sự Dữ. Chúa đến kêu gọi mọi người nhận thức về tình trạng tội của mình, ăn năn hoán cải, đón nhận Tin Mừng. “Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Vâng, tất cả chúng ta đều là tội nhân, nhưng chúng ta đang trong cuộc lữ hành trở nên thánh nhân trong Hội thánh của Chúa Giêsu Kitô. “Không thánh nhân nào lại không có một quá khứ, không tội nhân nào lại không có tương lai” (Đức thánh cha Phanxicô, Bài giảng ngày 19.01.2022) 3. DÂN THÁNH, THÁNH NHÂN LÀ AI? Thư thứ nhất của thánh Phao-lô gửi ông Timôthê (1 Tim 1,12-17) cho chúng ta biết thánh nhân là ai. Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Vậy chúng ta có thể nhận biết thánh nhân là những người tội lỗi cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa. Hội Thánh Công Giáo lữ hành là những người nhận thức tình trạng tội lỗi, xa Chúa của mình. Họ hối lỗi, hoán cải và nhời đón nhận bí tích Hòa Giải, họ được tháp nhập vào Đấng Thánh, có mùi thánh vì cảm nhận lòng thương xót của Chúa. Họ là những chứng nhân làm chứng và chia sẻ ân sủng lòng thương xót của Chúa nơi mình. “Ông này đón tiếp người tội lỗi và ăn uống với họ” (Lc 15, 2 ). Để hoán cải chính tôi, Chúa Con đã nhập thể làm người, làm bạn với tôi, ăn uống với tôi, và chết vì tôi, để tôi được sống vĩnh cửu với Ngài trong vương quốc của Chúa Cha CÂU CHUYỆN: Người phụ nữ tội lỗi và nhà truyền giáo trên đảo. Nhà truyền giáo ngạc nhiên khi nhìn thấy một phụ nữ mang một nắm cát ướt bước vào túp lều của ông. - Cha biết đây là gì không ? - Nó giống như cát. - Cha có biết tại sao con mang nó vào đây không ? - Không, tôi không thể tưởng tương được tại sao. - Đây là tội lỗi của con. Tội con không thể đếm được như cát biển. Làm thế nào tôi có thể được tha thứ tất cả ? - Chị hãy đưa nắm cát đó ra bãi biển và chất thành một ít cát. Rồi ngồi nhìn xem những cơn sóng ập tới, chắc chắn sẽ cuốn đi tất cả. Đó là cách Chúa thực hiện sự tha thứ của Ngài. Lòng nhân từ của Chúa bao la như đại dương. Hãy thành thật hối lỗi và Chúa sẽ tha thứ. → Bạn thân mến, xin bạn đừng kiêu ngạo, đừng chỉ nhìn thấy tội lỗi mình là trung tâm. Nhưng xin bạn hãy nhìn lên lòng thương xót khoan dung vô bờ bến của Thiên Chúa, Ngài là trung tâm, là chủ mọi sự. Như vậy, tội lỗi của ta sẽ là chỉ là nắm bụi nhỏ được Chúa Thánh Thần ném vào biển lửa Tình Yêu của Thiên Chúa, và nó sẽ cháy sáng tan vào biển lửa sáng Tình Yêu . Lm Giuse Đinh Kim Chí, OMI. Ngày 09 tháng 09 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên