OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XXIX – Thường niên A – Chúa Nhật Truyền Giáo Chúa Nhật Chúa Nhật XXIX – Thường niên A – Chúa Nhật Truyền Giáo Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa. Tin Mừng Mt 22,15-21 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Khi ấy, những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?” Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ đạo đức giả ! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế !” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” Họ đáp: “Của Xê-da.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Suy niệm: Truyền Giáo Trong cuộc tông du Hoa Kỳ năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ ngày 23 tháng 9 tại Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Washington DC để tuyên thánh cho Cha Junipero Serra, một vị thừa sai dòng Phanxicô gốc Tây Ban Nha. Vị Thánh đã đến Châu Mỹ làm việc cho thổ dân da đỏ và đã đón nhận cái chết tử đạo để minh chứng đức tin. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc lại câu châm ngôn của vị thánh, là “Hãy luôn tiến lên phía trước để rao giảng Tin Mừng”. Đức Thánh Cha cũng gợi lại tư tưởng mà Ngài đã viết trong Tông huấn 'Niềm vui Tin Mừng' (Gaudium Evangelii): “Từ sâu tận tâm hồn, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy ra đi. Đừng ở lỳ một chỗ để an hưởng một cuộc sống nhàn hạ. Đức Giêsu nói với các Tông đồ: Hãy đi rao giảng. Niềm vui Tin Mừng là điều chúng ta phải trải nghiệm cách cụ thể. Chúng ta không có niềm vui đó nếu chúng ta không biết xả thân và trao ban”. Đây cũng là sứ điệp Giáo hội gửi trao đến chúng ta trong ngày Chúa nhật truyền giáo hôm nay. Truyền giáo là lên đường. Trong thư gửi giáo đoàn Ephêsô, Thánh Phaolô đã nói đến bốn phần vụ trong Giáo hội để xây dựng nhiệm thể Đức Kitô, đó là: làm tông đồ, làm ngôn sứ, làm người loan báo Tin Mừng, làm người coi sóc và dạy dỗ (xc. Ep 4,11). Trong bốn chức năng đó, trở thành người loan báo Tin Mừng đòi hỏi sự hy sinh và dấn thân hơn cả, bởi vì người đó phải ra đi và lên đường. Người đi rao giảng Tin Mừng phải rời bỏ tất cả: từ gia đình, quê hương, đến nơi ăn chốn ở và mọi dính bén khác. Căn gốc của sự ra đi chính là từ bỏ chính mình. Khi sai các học trò đi thực tập truyền giáo, Chúa Giêsu chỉ trang bị cho các ông một món hành trang duy nhất, đó là ‘năng quyền trừ quỷ và chữa lành các bệnh tật’, ngoài ra không tiền bạc, không bao bị, không mặc hai áo, không giầy dép..(xc. Lc 9,3). Vì vậy, truyền giáo trước hết là phải sẵn sàng lên đường và ra đi đến mọi ngõ ngách của thế giới, đặc biệt đến những vùng ven (peripheries) như lời Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi. Cuộc ra đi như vậy đòi hỏi phải chấp nhận phiêu lưu cách mạo hiểm, và cao điểm của cuộc hành trình liều lĩnh là chấp nhận cái chết như Đức Kitô trên Thập giá. Khi phong Thánh cho Cha Serra cuối tháng 9 năm 2015, Đức Thánh Cha đã nhắc lại đôi nét về sự ra đi của Ngài. Vị Thánh đã quảng đại từ khước địa vị danh giá là ghế giáo sư đại học ở Tây Ban Nha để lên đường sang Tân thế giới, phục vụ cho Tin Mừng và ơn cứu độ. Cuộc mạo hiểm của Ngài đã phải trả giá, nhưng là cái giá của vinh thắng. Vừa khi mới đặt chân đến Mêxicô, chân của Ngài đã bị sưng tấy vì dị ứng và đau đớn tột cùng, giống như bị ung thư hay bị nhện rừng cắn. Cao điểm của cuộc phiêu lưu này là Ngài đã bị giết chết, để bảo vệ các thổ dân. Một thi sỹ đã viết: “Ra đi là chết trong lòng một ít”. Nhưng sự ra đi trong hành trình truyền giáo là sao chép lại tận căn chính cái chết của Đức Giêsu, vị truyền giáo đầu tiên, và cũng là nguyên mẫu cho chúng ta trong việc thực thi sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Đức Giêsu, nguyên mẫu của ơn gọi truyền giáo. Năm mươi năm trước, Công đồng Vaticanô II đã ban hành sắc lệnh về truyền giáo ‘Ad Gentes’. Ngay từ chương đầu tiên của giáo huấn này, Giáo hội mời gọi chúng ta nhìn về Đức Kitô như là nguyên mẫu. Công đồng đưa dẫn nhiều trích đoạn Kinh Thánh để cho chúng ta thấy Đức Kitô là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian hầu thực hiện sứ mạng cứu thế (xc. Cl 1,13; Cv 10, 38; 2 Cr 8, 9..). Vì vậy khi nhìn vào Đức Giêsu, chúng ta có thể nghiệm ra rằng, 2000 năm trước Ngài đã đi vào trần thế không phải để sáng lập một tôn giáo, cũng như không phải để quảng bá một học thuyết chính trị. Ngài đến chỉ với sứ mạng duy nhất là công bố cho chúng ta một Tin Mừng, đó là Tin Mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Đức Giêsu đã lặp đi lặp lại sứ điệp này trong suốt ba năm rao giảng công khai, và cái chết của Ngài trên Thập giá chính là đỉnh điểm của lời công bố Tin Mừng vĩ đại ấy. Vì vậy, để sống tinh thần truyền giáo, chúng ta phải học nơi Thập giá Đức Giêsu. Ngài chính là vị truyền giáo đầu tiên, và là mẫu gương trọn hảo cho tất cả chúng ta (Tông huấn Evangelii Nuntiandi số 7). Trong các đợt xuất phát truyền giáo, các Hội dòng thường trao cho các vị thừa sai Thánh giá truyền giáo cũng với hướng đích này. Truyền giáo là bản chất của Giáo hội Trong các phiên họp khoáng đại của Công đồng chung Vaticanô II, Đức Thánh Cha Phaolô đệ lục có nêu ra một câu hỏi rất giản đơn cho các nghị phụ: “Ta sống ở đời này để làm gì?” Đây cũng là câu hỏi đầu tiên trong các sách giáo lý căn bản mà chúng ta đều biết cũng như đã thuộc lòng câu trả lời, đó là: ‘Ta sống ở đời này để nhận biết và kính mến Chúa, cho ngày sau được hưởng hạnh phúc đời đời’. Các nghị phụ cũng trả lời như thế. Nhưng Đức Thánh Cha nói rằng câu trả lời còn thiếu. Ngài cắt nghĩa: “Ta sống ở đời này để nhận biết và yêu mến Chúa, cho ngày sau được cứu rỗi, nhưng chúng ta cũng sống ở trần gian này còn để giúp người khác yêu mến và nhận biết Thiên Chúa, để họ cũng được ơn cứu độ như chúng ta”. Cha Thomas Merton, một tu sĩ dòng Trappist ở Hoa Kỳ có viết một tác phẩm có tựa đề: ‘Không ai là một hòn đảo’. Tư tưởng của Ngài rất thâm thúy, và trong dịp viếng thăm Hoa Kỳ, khi đọc diễn văn tại lưỡng viện quốc hội, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng gợi nhắc khuôn mặt tiêu biểu này. Cha Thomas Merton lý luận rằng, không ai trong chúng ta có thể sống cô lẻ một mình như một ốc đảo. Khi sống hiệp thông trong Hội Thánh, chúng ta liên đới với anh chị em mình trong sự thánh thiện cũng như cả trong tội lỗi. Vì vậy không ai trong chúng ta sẽ lên thiên đàng một mình hoặc cũng không ai xuống hỏa ngục một mình. Chúng ta nên thánh bằng cách giúp người khác nên thánh, và đây cũng là ý nghĩa của sứ mệnh truyền giáo. Sứ mệnh này thuộc bản chất của Giáo hội, gắn liền với Giáo hội và cũng là bổn phận của mọi Kitô hữu. Trước khi Chúa Giêsu về trời, Ngài đã chuyển giao sứ mạng cứu thế cho Giáo hội bằng mệnh lệnh: “Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” (Mc 16,15). ‘Cho muôn dân’ tức “Ad gentes”, cũng chính là tựa đề của sắc lệnh về truyền giáo mà Công đồng Vaticanô II đã để lại cho chúng ta. Chứng nhân hơn là thầy dạy Trong một sứ điệp ngày truyền giáo, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Truyền giáo là thước đo đức tin của mọi tín hữu”. Lời khẳng định này cũng tương hợp với giáo huấn của Thánh Giacôbê Tông đồ khi Ngài viết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Việc làm đó được thực hiện rõ nét nhất qua sứ vụ truyền giáo. Rao giảng Tin Mừng là một bổn phận của những ai thuộc về Đức Kitô và được Chúa mời gọi trở nên môn đệ Ngài. Thánh Phaolô xác tín mạnh mẽ bổn phận ấy nên Ngài nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Nhưng, cách thái rao giảng Tin Mừng để đạt hiệu quả mới là điều quan trọng mà chúng ta cần phải lưu tâm. Có lần, một số các vị truyền giáo đang làm việc ở Ấn Độ đến gặp Mahatma Gandhi và hỏi ông bí quyết làm sao để có thể truyền giáo cho người dân Hindu ở đây. Gandhi mời gọi các vị truyền giáo hãy suy nghiệm bí quyết từ cánh hoa hồng. Người ta thích hoa hồng không phải chỉ vì vẻ đẹp bên ngoài mà còn vì mùi hương quyến rũ từ bên trong tỏa ra. Ông kết luận, muốn truyền giáo thành công, phải học bí quyết ấy, tức là rao giảng không phải bằng lý thuyết xuông nhưng bằng gương sáng cụ thể của cuộc sống. Điều ông ta nói tới cũng giống như giáo huấn của Thánh Giáo hoàng Phaolô đệ lục khi Ngài diễn tả: “Ngày nay, Giáo hội cần những chứng nhân hơn là những thầy dạy.” Lm. GB. Trần Văn Hào Loan Báo Tin Mừng Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo nên con người và muốn cho tất cả mọi người tham dự vào sự sống của Ngài. Ngài còn muốn liên kết mọi mỗi người thành một đoàn chiên duy nhất. Thật vậy, Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến không chỉ với những con chiên lạc nhà Israel, mà Ngài còn hoà giải cả vũ trụ với Thiên Chúa (xc. Cl 1,18-20 ), với dân ngoại, dẹp tan các mối thù địch để tạo ra một nhân loại mới (xc. Ep 2,13-18). Ơn cứu độ của Thiên Chúa mang tính phổ quát (xc. Lc 2,30). Máu của Đức Giêsu đổ ra đem lại ơn cứu độ cho muôn người (xc. Mc 10,45). Vì vậy, sứ mệnh của Giáo hội được nối kết với sứ mệnh của Chúa Giêsu: “Như Cha đã sai Thầy đến thế gian, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Cho nên, sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo hội”, vốn “tự bản chất là thừa sai”. Việc loan báo Tin Mừng sẽ không trọn vẹn nếu không quan tâm đến mối quan hệ giữa Tin Mừng và cuộc sống: cá nhân và xã hội của con người, công lý, hoà bình, phát triển và việc giải phóng con người thoát khỏi nghèo đói, bệnh tật và những bất công. Giáo hội xem lời của Thánh Phaolô như sứ điệp của mình: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1 Cr 9,16). Trước khi về trời, Đức Giêsu đã truyền lại cho các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Lệnh đó đã được tiếp diễn trong suốt chiều dài lịch sử từ thời các Tông đồ cho đến ngày nay và muôn đời sau. Trải qua thời gian, Giáo hội không ngừng ban hành các Tông thư, Tông huấn về truyền giáo, để các tín hữu hiểu rõ hơn và ý thức nhiệm vụ cấp bách này. Qua những dẫn chứng trên, người viết muốn trình bày ba điểm về việc truyền giáo, đó là: Ý thức, thao thức, cách thức truyền giáo. Thứ nhất: Ý thức việc truyền giáo Lời kêu gọi của Chúa Giêsu vẫn còn vang vọng và thúc đẩy chúng ta. Thế nhưng, không ít người Kitô hữu vẫn còn bàng quan cho yên phận, thay vì làm chứng cho Chúa thì chỉ lo giữ đạo, giữ đức tin cho vững là đủ. Là “men”, là “muối”, Giáo hội luôn mang trong mình một “nội lực” nhận lãnh từ Chúa Thánh Thần để tiếp tục biến đổi sao cho phù hợp với sự phát triển không ngừng của thế giới về mọi lãnh vực khoa học kỹ thuật cũng như xã hội nhân văn. Ý thức về sứ vụ của mình, Giáo hội tại Việt Nam cũng đã minh định qua Thư chung của Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010: “Thay vì coi truyền giáo chỉ như một trong những hoạt động của Giáo hội, thì nay cần nhìn sứ mệnh truyền giáo như nắm men thấm nhập, khơi dậy và chi phối mọi khía cạnh đời sống Giáo hội. Do đó, cần dành mọi nỗ lực và hoạt động, từ vật chất đến thiêng liêng và mục vụ, cho mục tiêu này”. Công đồng Vatican II đã mời gọi: “Mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc Âm cứu độ của Chúa”. Thật vậy, “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo”. Cho nên, ta phải ý thức trách nhiệm phận vụ của mình. Thứ hai: Thao thức truyền giáo Dù muốn dù không, mỗi Kitô hữu đều là tông đồ của Đức Giêsu ngay từ ngày lãnh Bí tích Rửa tội. Bí tích này làm cho chúng ta trở thành chi thể của Chúa Giêsu, thông phần vào vai trò ngôn sứ của Ngài, nên chúng ta phải đảm nhận trách nhiệm loan Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa. Truyền giáo là một công việc đòi hỏi kiên nhẫn. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Hãy rao giảng Lời Chúa. Hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2). Chúa vẫn luôn mời chúng hãy “ra khơi thả lưới” như các môn đệ xưa kia, vì cánh đồng truyền giáo vẫn còn bát ngát bao la. Muốn vậy, chúng ta phải biết sống tinh thần truyền giáo khởi đi từ lòng mến Chúa và yêu người. Chúng ta mến Chúa và yêu mến tha nhân, nên chúng ta muốn chia sẻ niềm vui và hy vọng với tha nhân. Tình yêu mến mời gọi chúng ta dấn thân một cách quảng đại để đem tình yêu Chúa nối kết tình người, đưa con người đến cùng Thiên Chúa và giúp con người xích lại gần nhau hơn. Được kêu gọi trở nên hạt giống hy vọng, bổn phận của chúng ta là tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô trong thế giới. Phạm vi sứ mạng và việc phục vụ của Giáo hội không thuộc lãnh vực vật chất, hay cả những nhu cầu tinh thần giới hạn nơi cuộc sống trần thế, nhưng là ơn cứu độ siêu việt, được hoàn tất trong Nước Thiên Chúa. Sống tinh thần Kitô giáo, nghĩa là không “đóng kín cửa lòng”, mà phải mở ra để trao tặng cho nhân loại ân ban mà ta đã nhận từ Chúa Kitô. Thứ ba: Cách thức truyền giáo Có nhiều cách thức truyền giáo, nhưng sau đây là những cách mà người viết nghĩ có thể thể mang lại hiệu quả cao, đó là: Cầu nguyện, sống gương mẫu, bác ái, tiếp xúc các nhân và đối thoại. Cầu nguyện: Công trình cứu độ là của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ là người cộng tác vào công trình ấy. Thật vậy, “ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126,1). Chính Thiên Chúa mới làm cho công cuộc truyền giáo sinh hoa kết quả (xc. 1 Cr 3,6-7). Thánh Phaolô cũng nói: “Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin, và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4,6). Bởi vậy, cầu nguyện cho việc truyền giáo là cách thức rất quan trọng: cầu nguyện cho những người đi truyền giáo, cầu nguyện cho mọi người mở rộng lòng sẵn sàng đón nhận ơn Chúa, Lời Chúa. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, cả đời không đi đâu truyền giáo, chỉ ở trong bốn bức tường dòng kín cầu nguyện cho việc truyền giáo. Thế mà Giáo hội đã tôn phong ngài là quan thầy các nơi truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê. Sống gương mẫu: Truyền giáo tốt nhất và có hiệu quả nhất là đời sống gương mẫu. Nếu chúng ta sống thực sự yêu thương thì không ai đánh giá sai lầm về đạo, như lời căn dặn của Chúa Giêsu: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Thật vậy, không ai có thể loan báo Tin Mừng cho người khác, nếu tâm hồn chưa được Phúc Âm biến đổi, hay “không ai có thể làm chứng cho Chúa nếu không phản chiếu hình ảnh của Ngài”. Kinh nghiệm của các tín hữu sơ khai cho thấy, đời sống tu đức là căn bản, và là nguồn sinh lực của việc truyền giáo. Mặc dù thiếu thốn và nhiều khốn đốn (xc. 1 Cr 1,23), nhưng các tín hữu vẫn luôn đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện và siêng năng trong nghi lễ bẻ bánh. Họ sống tình yêu thương chan hòa trong sự chia sẻ với nhau, và nêu cao phẩm chất của đời sống Kitô hữu. Do vậy, họ “được toàn dân thương mến” (xc. Cv 2,46). Nhờ đời sống thánh thiện của các cộng đoàn sơ khai, Tin Mừng đã lan tràn khắp nơi. Bởi vậy, đời sống chứng nhân tốt là cách thức truyền giáo hữu hiệu. Việc làm cụ thể và thiết thực đi kèm với lời nói (rao giảng) mới đủ sức thuyết phục con người thời nay và mới chứng minh được những điều được chúng ta rao giảng là chân thật. Đời sống chứng nhân không chỉ là của các cá nhân, mà còn phải là chứng tá của cả gia đình, cộng đoàn của giáo xứ. Muốn vậy, chúng ta phải sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu và với Chúa Thánh Thần như cành nho gắn liền với thân nho (xc. Ga 15,1-8), vì không có đời sống siêu nhiên và ơn sủng của Thiên Chúa chúng ta không thể làm được điều gì tốt lành. Sự thánh thiện là dấu chỉ đời sống chứng tá hữu hiệu nhất trong việc truyền giáo. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”. Kitô hữu là người được Chúa Kitô “chiếm đoạt” (xc. Pl 3,12). Một khi được Ngài chiếm đoạt, Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy làm chứng nhân cho Chúa. Sống bác ái: Hoạt động tông đồ của Giáo hội phải khởi đi từ đức ái, bởi vì đức ái, theo thánh Phaolô, là một điều gì đó còn lớn lao hơn là một hoạt động: “Giả như tôi có đem hết tài sản mà bố thí, hay nộp thân thể tôi để chịu thiêu đốt, mà không có lòng mến, thì cũng không ích gì cho tôi” (1 Cr 13,3). Cũng vậy, thánh Mátthêu cho biết: “Anh sáng của anh em phải chiếu toả trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Mục đích của truyền giáo không dừng lại ở việc “cứu các linh hồn”, nhưng đúng hơn là sống đời sống của một Kitô hữu, sống theo Tin Mừng và dấn thân làm cho thế giới trở thành một ngôi nhà chung: “Sự hiện diện của các Kitô hữu giữa các nhóm người phải được sống động bằng chính tình bác ái mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và muốn chúng ta cũng yêu thương nhau bằng tình bác ái đó. Bác ái Kitô giáo thực sự lan tràn tới mọi người không phân biệt chủng tộc, hoàn cảnh xã hội hay tôn giáo”. Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (xc. Lc 10,25-37) mang đến cho chúng ta tiêu chuẩn để đo lường lòng bác ái. Giới răn yêu thương phải vượt qua những ranh giới địa lý vùng miền, để mở rộng ra cho tất cả những ai cần đến sự trợ giúp của chúng ta. Giáo hội muốn mọi người biết thế giới thật sự là một ‘ngôi làng chung’, ở đó người ta cảm nhận được mình là thành phần của gia đình nhân loại. Với gia đình này người ta chia sẻ với nhau những niềm vui và những đau khổ, những hy vọng và thử thách. Thật vậy, Giáo hội là cộng đoàn chỉ có một nền tảng duy nhất đó là tình yêu, tình yêu là nội dung và là phương thức về sự hiện diện và sứ vụ của Giáo hội. “Thiên Chúa là tình yêu. Nơi đó, chân lý này có thể được nhìn ngắm như lời Đức Bênêđíctô XVI đã nói: “Việc bảo vệ Thiên Chúa và con người cách tốt nhất nằm ngay trong tình yêu”. Tiếp xúc cá nhân: Chúng ta không được diễm phúc như các Tông đồ là rao giảng lời Chúa một cách hùng hồn và làm nhiều phép lạ. Sống trong thời đại ngày nay, chúng ta chỉ có thể loan báo Tin Mừng cho người khác bằng tiếp xúc cá nhân qua đời sống hằng ngày. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari (xc. Ga 4,1-42) là một minh chứng. Việc Đức Giêsu muốn làm là xây dựng lòng tin tưởng. Tin nhau mới có thể cộng tác với nhau, mới có thể chia sẻ mọi sự cho nhau. Một trong những cách Đức Giêsu xây dựng lòng tin nơi người khác là thể hiện sự quan tâm. Đức Giêsu quan tâm đến chị, thấu hiểu hoàn cảnh của chị và cảm thông với nỗi khổ tâm của chị. Thật vậy, một khi người khác lấy được niềm tin nơi chúng ta, lúc ấy chúng ta sẵn sàng chia sẻ niềm tin và hy vọng của chúng ta nơi Đức Kitô. Muốn cho việc tiếp xúc cá nhân đạt được thành quả, điều cốt yếu là sự cầu nguyện và hy sinh. Ta nói với Chúa về người bạn trước khi nói với bạn về Chúa. Sự học hỏi trau dồi kiến thức thần học giáo dân là một khía cạnh cần cố gắng. Thái độ khiêm cung, nhã nhặn, lịch thiệp, vồn vã và chân tình là những đức tính cần có của chúng ta mỗi khi giao tiếp, để qua đó, mọi người cùng nắm tay nhau phục vụ anh chị em và phụng sự Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Chúng ta hãy gieo niềm tin và hy vọng nơi những người mà chúng ta gặp gỡ, việc còn lại, hãy để Chúa Thánh Thần tác động nơi họ. Muốn thế, ta phải biết cách đối thoại. Đối thoại: Đối thoại là một phần thiết yếu trong sứ mạng của Giáo hội, “vì nó xuất phát từ chính sự đối thoại yêu thương ban ơn cứu độ của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần”. Đối thoại là để mở lòng, đón nhận, sống với, phục vụ mọi người bằng tình yêu thương theo gương Chúa Giêsu. Đó là ơn gọi của mỗi Kitô hữu, một ơn mời gọi phải tích cực đi đến với mọi anh chị em để lắng nghe, chia sẻ, hiểu biết, cảm thông, và loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống mình. Đức Phanxicô kêu gọi: “Tôi muốn thấy một Giáo hội bị bầm giập, tổn thương và lấm lem trên đường dấn thân, chứ không phải là một Giáo hội ‘xanh xao vàng vọt’ vì sống đóng khung và bám víu vào chu vi hàng rào an toàn của riêng mình…” Đối thoại là khiêm tốn nhận ra sự hiện diện kín đáo của Thiên Chúa trong cuộc tranh đấu của người nghèo, trong sự phong phú về văn hóa, trong sự đa dạng về truyền thống tôn giáo và trong thẳm sâu cõi lòng mỗi người. Ðối thoại như thế là lối sống và phương cách truyền giáo của chúng ta. Ðối thoại trở thành nền tảng cho nền linh đạo hiệp thông nhằm canh tân sứ giả Tin Mừng. Tóm lại, lời kêu gọi của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho muôn loài thọ tạo” (Mc 16,15) đang thúc bách chúng ta. Nhìn cánh đồng truyền giáo vẫn còn bát ngát bao la đang chờ đợi mỗi người chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải thao thức, ý thức và tìm cách cách thức truyền giáo là bổn phận và nghĩa vụ của của chúng ta. Chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội, trong mọi hoàn cảnh để đưa Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Sứ mạng truyền giáo là nhiệm vụ ưu tiên của Giáo hội, như lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Nhìn vào số đông nhân loại chưa biết Chúa cũng đủ cho thấy rằng sứ mệnh này mới chỉ đang ở những bước đầu tiên và chúng ta còn cần phải dồn hết mọi nỗ lực của mình cho công trình này”. Vì vậy, lòng nhiệt thành truyền giáo luôn là dấu chỉ sức sống của các Giáo hội chúng ta. Gioan Văn Huy Nguồn: gplongxuyen.org Ngày 17 tháng 10 Năm 2020 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên