OMI VIỆT NAM::Lễ Chúa Ba Ngôi - Lễ Trọng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi - Lễ Trọng Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Tin Mừng Ga 3,16-18 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.” Suy niệm: CHÚA BA NGÔI – KHUÔN MẪU CHO MỌI CỘNG ĐOÀN KI-TÔ HỮU Hôm nay toàn thể Giáo hội mừng trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu của sự yêu thương và hiệp nhất. Đó là khuôn mẫu nền tảng cho mọi tổ chức, mọi cộng đoàn trong Giáo hội Công giáo. Nhờ hiệp nhất mà tình yêu của Ba Ngôi đã lan tỏa đến với nhân loại. Nhờ hiệp nhất mà tình yêu của người Ki-tô hữu lan tỏa đến với những người xung quanh. Trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta đã ký kết với Thiên Chúa một giao ước vĩnh cửu là trở nên chứng nhân cho Chúa Ki-tô và cho Giáo hội. Đó là căn tính của người Ki-tô hữu. Thế nên, chúng ta phải sống như thế nào cho xứng đáng với căn tính ấy. Điều quan trọng không phải là chúng ta làm được gì, mà chúng ta đã sống giao ước của mình với Thiên Chúa như thế nào. Đó cũng là tâm tình của bài đọc 1 hôm nay. Thiên Chúa ký kết với dân Ngài một giao ước tại núi Sinai qua trung gian Môsê. Mặc dù dân Israel nhiều lần đã bội nghĩa bất trung nhưng Thiên Chúa vẫn luôn trung thành với giao ước của Ngài, bởi vì Ngài không thể chối bỏ căn tính của mình, đó chính là Tình yêu, như thánh Gio-an đã khẳng định: Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8). Ngay từ trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã mạc khải cho nhân loại thấy Ngài là một vị Thiên Chúa của tình yêu, Đấng giàu lòng thương xót. Mạc khải đó được sáng tỏ hơn nơi con người Đức Giê-su Ki-tô. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gio-an lặp lại tư tưởng trong bài đọc một: Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng giàu lòng thương xót. Tình yêu Thiên Chúa được diễn tả cách cụ thể qua chính Con Một của Ngài, là Đức Giê-su Ki-tô. Nhờ Con Một của Ngài, nhân loại được hưởng ơn cứu độ. Khi nói đến Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, người ta thường nghĩ ngay đến câu chuyện của thánh Augustinô. Sau một thời ăn chơi trụy lạc và chạy theo lạc thuyết, Augustinô đã được ơn trở lại và khát khao tìm kiếm chân lý. Augustinô tưởng rằng con người có thể múc cạn chân lý về Thiên Chúa bằng những hiểu biết và lý luận thần học. Một hôm, khi đang đi dọc theo bờ biển, và đang suy tư về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi. Chợt ngài nhìn thấy một cậu bé đang dùng vỏ sò, múc nước biển đổ vào một cái lỗ nhỏ trên cát. Cậu bé cứ làm như thế hết lần này đến lần khác. Vì tò mò và vì ngạc nhiên về cử chỉ của cậu bé, thánh nhân đã hỏi cậu bé: Cháu làm như vậy để làm gì? Cậu bé trả lời không chút do dự: Thưa bác, cháu muốn dùng vỏ sò này để múc cạn nước đại dương. Thánh nhân lắc đầu bảo: Cháu không bao giờ làm được chuyện đó đâu. Cậu bé ngước lên, mỉm cười và nói: Điều cháu đang làm còn có lý hơn là điều mà bác đang suy nghĩ. Khi quay lại thánh nhân không còn nhìn thấy cậu bé đâu nữa, và ngài chợt hiểu được một chân lý sâu xa rằng: Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào hiểu thấu được. Thiên Chúa là một mầu nhiệm. Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm nền tảng và là mầu nhiệm quan trọng nhất của đạo Công giáo. Nét độc đáo của Mầu Nhiệm Ba Ngôi là yêu thương và hiệp nhất trong sự đa dạng, chứ không phải trong sự đồng bộ. Sự đa dạng đó làm cho Ba Ngôi trở thành ba ngôi vị riêng biệt chứ không tách biệt. Đó cũng là nét độc đáo của sự hiệp nhất cộng đoàn Giáo hội nói chung và của các cộng đoàn, hội đoàn Công giáo nói riêng. Tình yêu và sự hiệp nhất của cộng đoàn phải được đặt nền tảng trên tình yêu và sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Hiệp nhất trong đa dạng mới làm cho cộng đoàn trở nên phong phú và tính sáng tạo mới được bộc lộ. Ngược lại, hiệp nhất trong đồng bộ sẽ bóp nghẹt tính sáng tạo cá nhân và biến cộng đoàn thành một cổ máy chỉ biết thực hiện các chức năng của mình mà thôi. Quả thế, muốn đạt đến sự hiệp nhất trong đa dạng cần phải hiệp nhất trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Suy nghĩ giúp có những ý tưởng. Lời nói giúp cho việc thảo luận-đối thoại để tìm ra những điểm chung, tìm ra sự thật. Từ những điểm chung đó mới dẫn đến hành động. Chúng ta thấy có một sự đối thoại liên lỉ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó cũng là công việc mà các cộng đoàn Công giáo cần bắt chước và học hỏi. Trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Phao-lô muốn nhắn gửi cộng đoàn Cô-rin-tô, và cũng là lời nhắn gửi cho mỗi cộng đoàn của chúng ta hôm nay: Chỉ có tình yêu và chỉ khi thực hiện bác ái đối với nhau thì cộng đoàn mới có sự hiệp nhất. Chỉ khi có bác ái, người ta mới dễ dàng thông cảm và nghĩ tốt về nhau. Chỉ khi có bác ái, người ta mới dễ dàng đến với nhau để chia sẻ, để đối thoại. Chỉ có đối thoại, mới giúp người ta ngày càng hiểu nhau hơn. Chỉ có đối thoại, sự thật mới được tỏ bày. Vậy, mỗi người chúng ta đã thực hành bác ái và đối thoại với nhau như thế nào trong cộng đoàn của mình? Hẳn là khi dừng lại để hoán cải, chúng ta sẽ nhận ra mình cần phải làm gì để giúp nhau sống tình hiệp nhất trong cộng đoàn. Đức ái là hoa trái của Thánh Thần và cũng là hoa trái của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, như lời thánh Phao-lô nhắn gửi: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.” (Rm 12,9-11). Đây là điều mà mỗi người chúng ta cần thực hành suốt cả một đời để xây dựng cộng đoàn Ki-tô hữu hiệp nhất như lòng Chúa mong ước. Quả thế, công đoàn hiệp nhất hẳn là một cộng đoàn đặt nền tảng trên tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Hoán cải cá nhân mới chỉ là bước khởi đầu của sự hiệp nhất. Muốn đạt đến sự hiệp nhất trọn vẹn cần phải hoán cải cộng đoàn. Chỉ khi hoán cải, chúng ta mới thấy mình yếu đuối, bất toàn. Chỉ khi hoán cải, chúng ta mới nhận ra ơn Chúa cần cho chúng ta biết chừng nào. Và chỉ khi hoán cải, chúng ta mới nhìn thấy sự hiện diện của Đức Giê-su trong cộng đoàn và nơi mỗi người anh chị em của chúng ta. Nguyện xin tình yêu của Chúa Ba Ngôi biến đổi tâm hồn mỗi người chúng ta, để chúng ta nhận ra những yếu đuối, bất toàn mà không ngừng hoán cải, nhằm xây dựng một công đoàn yêu thương-hiệp nhất, là chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Amen. Lm G.B. Nguyễn Quốc Võng, OMI. Chúa Ba Ngôi Thánh Augustinô, một hôm ra bãi biển đi đi lại lại suy gẫm miên man về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Bỗng thánh nhân thấy một em bé lấy vỏ sò rồi cứ múc nước biển đổ vào lỗ cáy. Thánh nhân ngạc nhiên nói với em nhỏ đó: "Này em, sao em làm việc gì kỳ vậy, làm sao em có thể đổ hết nước biển vào lỗ cáy này được?" Em bé trả lời: "Múc hết nước biển đổ vào lỗ cáy còn dễ hơn việc Ngài đang suy để hiểu về màu nhiệm Chúa Ba Ngôi." Nghe vậy, thánh nhân chưng hửng và hiểu ra rằng, Chúa đã sai một thiên thần hiện ra thành một em nhỏ để giúp thánh nhân hiểu rằng tự sức con người không thể dùng trí khôn riêng mình để suy và hiểu rõ về màu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được bày tỏ dần dần theo thời gian. Ngôi Cha được bày tỏ cho Dân Do Thái trong Cựu Ước. Trong thời gian này, Chúa tỏ cho Dân Chúa biết Ngài là "Cha chúng ta" và cũng là "Cha tôi". Do đó mọi người Do Thái đều tin rằng họ là con cái Chúa. Nhưng từ khi Đức Kitô là Ngôi Con đến, thì ý nghĩa đầy đủ về Thiên Chúa là Cha mới được rõ ràng. Ngài tỏ cho thấy Ngài là Con Một của Chúa Cha. Sự thân tình giữa Ngài và Chúa Cha được diễn tả dưới danh hiệu Abba: Nghĩa là "Lạy Cha." Từ Abba theo tiếng Do Thái là từ mà trẻ con dùng để nói với ba nó một cách thân tình; giống như tiếng "daddy" của tiếng Anh vậy. Trong mối thân tình với Chúa Cha, Chúa Kitô cho chúng ta thấy Ngài và Chúa Cha là một. Ngôi Cha không có tuổi tác, và Ngôi Con cũng không lớn lên hay phụ thuộc. Đấng Bằng Nhau sinh ra Đấng Bằng Nhau giống như ngọn lửa sinh ra ánh sáng. Nhưng ngọn lửa lại khác với ánh sáng sinh ra nó. Thực vậy, ngọn lửa tác sinh không sinh ra bởi ánh sáng được tác sinh. Cả hai cùng bằng nhau, cùng hiện hữu, nhưng ánh sáng sinh ra khác với ngọn lửa. Nói về Chúa Thánh Thần trong Ngôi Ba Thiên Chúa thì được Chúa Kitô cho thấy là Ngài là Thần Chân Lý, là Đấng yên ủi. Trong tương quan của Ngài với Chúa Cha và Chúa Con, chúng ta có thể dùng hình ảnh về hơi ấm phát sinh từ ngọn lửa và ánh sáng. Không hề có ngọn lửa mà không kèm theo ánh sáng và hơi ấm. Sự ấm áp khác với ngọn lửa và ánh sáng, nhưng nó lại cùng hiện hữu với ngọn lửa và ánh sáng. Không có chuyện ngọn lửa hay ánh sáng, hay hơi ấm sinh ra bởi nhau. Vì chúng đều đồng hành với nhau. Hình ảnh này cho thấy Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần luôn bằng nhau, không ngôi nào hơn, không ngôi nào kém. Sự hiệp thông thân thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa còn có tính cách lan toả. Tự bên trong bản tính thần linh Chúa chiếu toả và đổ tràn tình thương của Ngài qua việc sáng tạo muôn loài, trong đó có chúng ta. Do tình thương yêu Chúa đã dựng nên chúng ta qua trung gian thụ tạo của Ngài là cha mẹ chúng ta. Đó là nói về việc Chúa sáng tạo bởi lan toả. Còn nói về việc tái tạo chúng ta thì như thế nào? Từ khi Chúa Kitô làm người, chịu nạn, chịu chết và sống lại, chúng ta được tái tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa ngày càng rực rỡ hơn nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Qua tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta được biến tan trong Chúa như người yêu biến thành Đấng được yêu. Chúng ta sẽ trở nên thần linh, trở nên Chúa do sự tham phần vào bản tính của Ngài. Sự hợp nhất này hoàn hảo đến nỗi tất cả những gì Thiên Chúa có thì linh hồn chúng ta có. Nghĩa là chúng ta được biến hoá để đạt tới sự sung mãn cuối cùng là sự thánh thiện. Nhưng con đường duy nhất để trở nên trọn lành thánh thiện và hạnh phúc với Chúa Ba Ngôi là sự từ bỏ mình. Đó là con đường Chúa Kitô đã đi qua trước khi sống lại và lên trời vinh hiển. Chúa Kitô đã từ bỏ mình, bằng cách nhận lấy bản tính loài người và làm cho bản tính ấy dần dần biến cải trong bản tính Thiên Chúa của Người. Sự biến cải đó đạt tới tuyệt đỉnh qua cái chết của Ngài. Nhờ đó Ngài đã trở thành hoàn toàn là Thiên Chúa và hoàn toàn là loài người. Ở trần gian này mỗi người chúng ta cũng phải trải qua con đường từ bỏ để đạt được vinh quang sau này trên trời. Đức Kitô đã từ bỏ mình, đã sống lại và lên trời vinh hiển thì chúng ta cũng phải giống như Người trong việc từ bỏ những gì chưa biến cải thành Thiên Chúa. Xin Mẹ Maria là cung thánh của Chúa Ba Ngôi giúp chúng ta biết sống cuộc đời quên mình trong các việc bổn phận hằng ngày để trở nên giống Chúa hơn. Nhờ đó chúng ta càng ngày càng biến đổi và đạt được cùng đích cuối cùng đời người là kết hợp với Chúa Ba Ngôi sau này trên thiên đàng. Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa Nguồn: gplongxuyen.org Ngày 06 tháng 06 Năm 2020 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên - Năm C Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C (Ga 2, 1-11) Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên