OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật III - Phục Sinh A Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật III - Phục Sinh A Họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh. Tin Mừng Lc 24,13-35 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-el. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.” Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Suy niệm: NIỀM VUI GẶP GỠ ĐẤNG PHỤC SINH Trong cuộc sống thường ngày lắm lúc chúng ta cảm thấy chán chường, thất vọng vì gặp thất bại. Những lúc như thế chúng ta cần có ai đó để trút bầu tâm sự, để được lắng nghe những lời khích lệ, cảm thông nhằm lấy lại tinh thần để tiếp tục tiến bước. Đó cũng là tâm tình của bài Tin Mừng hôm nay. Cái chết của Thầy Giê-su đã khiến cho nhiều môn đệ trở nên chán chường, thất vọng, mất phương hướng. Khi theo Thầy Giê-su, các ông đã nuôi hy vọng về một tương lai tươi sáng bao nhiêu trên con đường sự nghiệp, thì ngày Thầy bị giết, các ông lại hoảng loạn, thất vọng bất nhiêu. Một trong số các ông đã chạy trốn, một số khác bỏ về quê hương để tìm lại một cuộc sống yên ổn hơn. Chúa Nhật tuần trước chúng ta đã được nghe về câu chuyện của ông Tô-ma cứng lòng tin. Ông đòi kiểm chứng bằng thực nghiệm thì mới tin. Hôm nay, chúng ta được nghe về câu chuyện của hai môn đệ trên đường Em-mau. Tin Mừng kể lại rằng hai môn đệ lên đường trở về quê, nhưng trong lòng hai ông vẫn còn thổn thức một nỗi niềm về Thầy Giê-su. Đang khi hai ông trao đổi với nhau trong âu lo sầu muộn như thế, thì chính Đấng Phục Sinh đã chủ động bước đến đồng hành với hai ông. Người gợi chuyện cho các ông có dịp cởi mở tâm hồn: Các anh đang trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? Tin Mừng cũng cho biết thêm: Lúc ấy, mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Điều này chứng tỏ rằng, không những con mắt thể lý của các ông bị che phủ, mà con mắt tâm hồn của các ông cũng đang mờ tối. Nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ đang phủ vây tâm hồn các ông, khiến các ông không nhận ra người khách bộ hành đang đồng hành với mình, đó chính là Thầy Giê-su. Hai môn đệ đã mở lòng ra với người khách đồng hành, và đó cũng là cơ hội để hai ông được khai lòng mở trí về mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đấng Ki-tô. Đấng Phục Sinh đã từng bước dẫn giải Kinh Thánh để giải thích cho hai ông về những việc đã xảy ra. Lời giải thích của Đấng Phục Sinh đã giúp hai môn đệ lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống, khơi lên niềm vui và hy vọng trong tâm hồn hai ông. Và rồi hai môn đệ đã nhận ra Chúa khi Người lặp lại một cử chỉ quen thuộc trong Bữa Tiệc Ly: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ đã mở ra và nhận ra vị khách đồng hành với họ chính là Thầy Giê-su, nhưng Người biến mất. Trong cuộc sống thường ngày, có lẽ nhiều khi chúng ta cũng rơi vào tâm trang tương tự như hai môn đệ trên đường Em-mau. Có lúc chúng ta cũng chán chường, thất vọng vì những mộng ước của chúng ta đã tan tành. Lắm lúc chúng ta cũng hoài nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa, vì dương như Người im lặng trước những đau khổ của chúng ta, Người không đáp ứng những mong ước của chúng ta. Thế là chúng ta buông xuôi, thất vọng trong ê chề. Tương tự như hai môn đệ trên đường Em-mau bị mờ tối con mắt đức tin nên chưa gặp được ánh sáng Phục Sinh, chúng ta cũng bị bóng tối của hoài nghi, ngờ vực che phủ nên không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong những lúc tăm tối của cuộc đời. Với câu chuyện về hai môn đệ trên đường Em-mau, Tin Mừng hôm nay muốn nói với chúng ta rằng: Chúng ta có thể nhận ra Chúa Phục Sinh nhờ lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, tham dự bữa tiệc Thánh Thể mỗi ngày và nhờ lời chứng của Giáo hội. Mỗi ngày qua Thánh Lễ, Giáo hội vẫn cử hành mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nơi đây, chúng ta được lắng nghe Lời Kinh Thánh, nghe chính Chúa Giêsu và sự giải thích của Người. Lời Chúa sẽ nâng đỡ đời sống đức tin, củng cố sức mạnh, nâng đỡ chúng ta vượt qua khó khăn, chán chường, thất vọng, đem lại niềm vui và sự phấn khởi trong tâm hồn. Cũng nơi Thánh Lễ mỗi ngày, chúng ta được tham dự tiệc bẻ bánh của Chúa Giêsu. Khi đón nhận Bánh Thánh của Chúa, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Người trong cuộc đời, như xưa hai môn đệ trên đường Em-mau đã nhận ra Người. Mỗi ngày khi cử hành Thánh Lễ, tâm hồn chúng ta sẽ ngập tràn niềm vui, hân hoan, phấn khởi, và cuộc đời chúng ta sẽ được biến đổi nhờ Lời và Thánh Thể Người. Chúng ta sẽ không còn sợ hãi, không còn bước đi trong tăm tối của chán chường, thất vọng nhưng bước đi trong hân hoan, để nói về Chúa Phục Sinh cho mọi người xung quanh, tựa như các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần. Sách Công Vụ Tông Đồ trong bài đọc 1 hôm nay thuật lại rằng, trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phê-rô cùng với các Tông đồ khác đứng ra, lên tiếng nói về Đấng Phục Sinh cho mọi người. Nếu như trước đây các ông sợ hãi, co mình trong căn phòng đóng kín cửa, thì giờ đây, các ông mạnh dạn, ra đi làm chứng cho Đấng Phục Sinh. Ơn Thánh Thần đã tái sinh tâm hồn các ông. Ơn Thánh Thần đã gột rửa tâm hồn các ông, khiến các ông trở nên mạnh bạo và không gì có thể ngăn cản được các ông thôi nói về Đấng Phục Sinh. Ơn Thánh Thần giúp các ông khẳng khái tuyên xưng rằng “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau cũng là câu chuyện cuộc đời của mỗi người, mỗi gia đình chúng ta. Có nhiều lúc chúng ta rất phấn khởi bước theo Chúa, nhưng cũng có lúc ưu tư, buồn phiền. Có lúc theo Chúa chỉ mong trục lợi, và khi không đạt được như mong đợi, nhất là khi gặp thất bại, khổ đau, nhiều người đã buông xuôi, để mình rơi vào chán chường, chôn vùi đời mình vào rượu chè cờ bạc, đề đóm hay là những cuộc ăn chơi vô độ. Hãy luôn nhớ rằng Đấng Phục Sinh không bao giờ bỏ rơi ai như câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Người không muốn thấy chúng ta sống trong buồn sầu thất vọng. Người vẫn luôn bên cạnh để an ủi, nâng đỡ, chở che chúng ta qua Lời của Người, chỉ có điều, chúng ta có lắng nghe sự giải thích của Người hay không. Cũng vậy, có nhiều lúc cuộc sống gia đình gặp sóng gió, thử thách, nhiều người lại oán than và kêu trách Chúa: Ngài đang ở đâu? Những lúc như thế, hãy noi gương hai môn đệ trên đường Em-mau, nài xin Chúa vào gia đình mình, mời Người vào hiện diện trong gia đình qua các giờ kinh mỗi tối. Hãy mời Người cùng hiện diện trong các sinh hoạt của gia đình, nhất là nơi các bữa ăn gia đình. Hãy siêng năng dâng Lễ và rước Lễ mỗi ngày, để Người hiện diện trong tâm hồn chúng ta và mang Người về với gia đình. Có Người hiện diện, mọi khó khăn sẽ được giải quyết. Có Người hiện diện, Người sẽ chia sẻ bớt gánh nặng cuộc đời với chúng ta. Có Người hiện diện, tâm hồn chúng ta sẽ tìm lại được niềm vui và bình an. Amen. Lm G.B. Nguyễn Quốc Võng, OMI. Chúa Hiện Ra với Hai Môn Đệ Trên Đường Emmau Hôm nay chúng ta suy niệm về một lời cầu khẩn của hai môn đệ trên đường từ Giê-ru-sa-lem về Em-mau: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Đó là một thực tế về mặt thời gian, bởi vì lúc đó gần tối rồi. Đồng thời câu nói đó có lẽ nó cũng diễn tả một thái độ tâm hồn. Trời đã về chiều, ngày sắp tàn, đêm tối sắp đến. Tâm hồn của hai ông bị chìm trong đêm tối, cái đêm tối của nghi ngờ, đêm tối của thất vọng. Bởi vì các ông đặt tất cả niềm tin vào Thầy Giê-su mà cuối cùng Thầy Giê-su bị bắt đánh đập, đóng đinh, giết chết trên Thập Giá. Tất cả niềm tin và hy vọng tan biến, chỉ còn lại nghi ngờ và tuyệt vọng. Đêm tối ấy đáng sợ hơn là đêm tôi về mặt không gian và thời gian tự nhiên. Chính trong tâm trạng ấy các ông thưa với Chúa Giê-su: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Lời cầu khẩn ấy không phải là lời cầu khẩn của chính chúng ta hay sao? Những lúc cuộc đời của chúng ta có những thất bại, có những cay đắng, chán nản đến độ chúng ta đâm ra nghi ngờ Thiên Chúa, chúng ta cần bắt chước hai môn đệ thốt lên lời nguyện xin: “Lạy Chúa hãy ở lại với con”. Hôm nay thánh Lu-ca muốn nói với chúng ta: Ta không thấy Chúa Ki-tô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng ta có thể gặp Chúa Ki-tô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Lu-ca tường thuật lại suốt trên con đường đi về Em-mau có một người khách bộ hành đi cùng. Hai môn đệ không thể nhận ra Thầy yêu thương của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn Chúa Giê-su cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao cho thì hai ông mới nhận ra. Và khi nhận ra thì Chúa lại biến mất. Về mặt tín lý chi tiết này rất hay, rất quan trọng để cho ta hiểu rõ về Bí Tích Thánh Thể. Khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể nghĩa là ta cùng với Hội Thánh cầm lấy tấm bánh bẻ ra và trao cho nhau. Lúc ấy anh chị em có thấy Chúa không? Thưa không. Trước mặt chúng ta hoàn toàn là một khoảng không. Ngày xưa hai môn đệ đi bên cạnh Chúa, suốt quãng đường dài mà họ không nhận ra Chúa, khi biết được Chúa biến mất trước mặt họ cũng là một khoảng không. Chúa Giêsu không hiện diện một cách gọi là thể lý theo nghĩa chúng ta thấy Ngài như chúng ta nhìn thấy nhau. Thực sự, sự hiện diện của Ngài là một hiện diện bao trùm cuộc sống của chúng ta. Ta đón nhận sự hiện diện đó bằng lòng tin của chúng ta. Cho nên ta vẫn có thể gặp được Chúa Phục Sinh khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể: Cầm bánh, tạ ơn Chúa. bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ Chúa Giê-su không hay chỉ còn là một nghi thức? Vì vậy câu chuyện Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta. Chúng ta vẫn gặp được Chúa Giê-su mỗi lần chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể. Ước gì chúng ta có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước màu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Ngài và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Ngài. ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm Nguồn: gplongxuyen.org Ngày 25 tháng 04 Năm 2020 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C Thánh Lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh Suy niệm về Thứ Sáu Tuần Thánh Thứ Sáu Tuần Thánh - Sống đối diện cái chết để làm trỗi dậy sự sống Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C