OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C Phêrô Hà Thái Hồ, OMI Nghe Bài Giảng Nghe Bài Giảng Hôm Nay Trình duyệt của bạn không hỗ trợ nghe audio. ✠ Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh Năm C (Ga 21,1-19) 1 Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. 4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” 6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. 9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết. 15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16 Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có thương mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.” ✠ Suy niệm: Tin Mừng theo thánh Gioan kể lại cho chúng ta rằng Chúa Giêsu, sau khi chịu chết trên thập giá vì tình yêu dành cho nhân loại, đã Phục sinh và tỏ mình ra vào ngày đầu tiên trong tuần với Maria Mađalêna (x. Ga 20,11-18), rồi sau đó với các môn đệ (thiếu vắng Tôma) đang tụ họp trong ngôi nhà đóng kín cửa (x. Ga 20,19-23), Người hiện ra một lần nữa vào tám ngày sau với các môn đệ cùng với sự hiện diện của Tôma (x. Ga 20,26-29) và sau cùng là Ngài hiện ra với các môn đệ trên Biển Hồ Tibêria trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe hôm nay. Trong các lần hiện ra trước đó với các môn đệ, Chúa Giêsu đã ban bình an, ban Thánh Thần cho các ông và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng (x. Ga 20,21-23); còn các môn đệ thì “vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20). Tuy nhiên, có lẽ phải đến sau cuộc gặp gỡ lần thứ ba này, chúng ta mới thấy được Ánh sáng Phục sinh của Đức Giêsu thực sự đụng chạm đến các môn đệ của Người. Những tình tiết trong đoạn Tin Mừng đưa chúng ta đi hết từ sự chuyển đổi này đến sự chuyển đổi khác: sự chuyển đổi từ đêm sang ngày, hay nói cách khác là từ bóng tối sang ánh sáng; chuyển đổi từ việc không biết Đức Giêsu (x. Ga 21,4) đến việc nhận ra Đức Giêsu (x. Ga 21,12); sự chuyển đổi từ việc đánh cá thất bại (x. Ga 21,3) đến việc thu được một mẻ cá lớn (x. Ga 21,6); và từ việc không có gì ăn (x. Ga 21,5) đến việc tham dự vào bữa tiệc do chính Đức Giêsu chuẩn bị (x. Ga 21,9-12). Tất cả những biến đổi này là hình ảnh biểu tượng minh chứng cho sự phục sinh của các môn đệ. Vậy điều gì đã khiến Ánh sáng Phục sinh của Đức Giêsu đụng chạm đến các môn đệ? Suy ngẫm về câu chuyện cuộc đời của các môn đệ, cách riêng là của Phêrô sẽ cho chúng ta thấy được điều đó. Chắc hẳn chúng ta nhớ rõ tất cả những sự kiện liên quan đến Phêrô trong hành trình theo Đức Giêsu của ông. Chúng ta sẽ không nhắc lại chi tiết ở đây nữa. Phêrô được Đức Giêsu gọi và ông bỏ hết mọi sự để đi theo Thầy, ông tin Đức Giêsu là Đấng Mesia và từng tuyên bố rằng muốn hiến dâng cả mạng sống mình vì Người. Nhưng rồi đến lúc Đức Giêsu bị bắt, ông đã bỏ trốn, đã phản bội, đã chối bỏ Ngài. Ông đã thất bại một cách thảm hại! Chúng ta thấy cho đến thời điểm này, thánh sử Gioan đã kể cho chúng ta về hai lần Chúa hiện ra với các môn đệ, nhưng không lần nào ngài nói rằng Đức Giêsu đã nói chuyện với Phêrô. Mặc cảm tội lỗi là một điều khủng khiếp, có lẽ đã dày vò và làm tổn thương con người Phêrô rất nhiều. Trong tâm hồn ông giờ đây có lẽ chẳng còn gì ngoài những vụn vỡ. Câu nói: “Tôi đi đánh cá đây” đã bộc lộ ra hết những thất vọng chán chường trong con người ông. Phêrô đã bỏ hết chài lưới từ lúc Đức Giêsu gọi ông. Nhưng bây giờ chẳng còn gì nữa, quay lại đánh cá thôi. Tất cả giống như một giấc mơ đẹp nhưng đã kết thúc, mình đã thất bại … quay lại với cuộc sống bình thường thôi. Nhưng bấy nhiêu sự tồi tệ đã xảy ra dường như còn chưa đủ với Phêrô và các môn đệ, đêm đó họ vất vả cả đêm mà chẳng bắt được gì. Trước đó họ đã thất bại trong việc trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Bây giờ ngay đến cả công việc quen thuộc của mình họ cũng không thể làm được. Thất bại nối tiếp thất bại! Chính trong hoàn cảnh tuyệt vọng này, Đức Giêsu đã đến và cứu vớt họ một lần nữa. Ngài lặp lại những gì mà Ngài đã làm cho họ trong thời khắc ban đầu khi thầy trò mới gặp nhau. Ngày ấy họ cũng vất vả cả đêm mà không bắt được gì, rồi nhờ vâng lời Người, họ đã thả lưới và thu được một mẻ cá kì diệu (x. Lc 5,1-11). Chính ngày hôm đó họ được Đức Giêsu gọi đi theo Ngài. Ngày đầu tiên Phêrô đã sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin trách xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,8). Hôm nay, Phêrô vội khoác áo vào rồi nhảy xuống biển (x Ga 21,7). Phêrô vẫn là một người yếu đuối mỏng giòn như ngày đầu. Nhưng sau tất cả, Chúa vẫn yêu thương ông. Lòng thương xót của Chúa đã đụng chạm đến ông. Nhưng bằng cách nào? Sau bữa ăn, Đức Giêsu cuối cùng đã quay sang Phêrô và nói chuyện với ông, không phải lời trách móc hay phán xét mà là lời yêu thương: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Phêrô đáp lại: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Có ba động từ để định nghĩa “yêu” trong tiếng Hy Lạp, động từ mà Đức Giêsu sử dụng trong câu hỏi này là “agape” (ἀγαπᾷς με), để chỉ tình yêu trọn vẹn ở cấp độ cao nhất, và động từ mà Phêrô sử dụng để trả lời lại câu hỏi của Đức Giêsu là “filia” (φιλῶ σε), để chỉ tình yêu anh chị em, hay tình bạn, có nghĩa là thấp hơn một chút so với những gì Đức Giêsu đòi hỏi. Đức Giêsu đã lại hỏi lần thứ hai theo cùng một cách, và có lẽ Phêrô với kinh nghiệm về sự thất bại và yếu đuối của mình, cũng đã đáp trả lại bằng tình yêu “filia” một lần nữa. Nhưng điều tuyệt vời đã xảy ra, trong câu hỏi thứ ba của mình, thật bất ngờ Chúa Giêsu đã thay đổi, Ngài đã sử dụng tình yêu “filia” để hỏi Phêrô. Điều này cho chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa luôn bao trùm và ôm ấp chúng ta. Chính Ngài đã hạ thấp tiêu chuẩn, chính Ngài đã thích nghi với những gì mà Phêrô có thể cho đi. Đức Giêsu không đòi hỏi ở Phêrô những gì vượt quá khả năng của ông nhưng Ngài yêu ông trong chính sự mong manh của ông. Ngài vẫn tiếp tục trao ban sứ vụ cho ông cũng giống như ngày đầu tiên thầy trò mới gặp nhau. Phần mình, Phêrô, sau khi cảm nghiệm những giới hạn của bản thân và cảm thấy mình được yêu cho dù vẫn còn đó những giới hạn, đã trở thành một con người mới, đã phục sinh nhờ lòng thương xót của Chúa. Câu chuyện của Phêrô cũng là câu chuyện của từng người chúng ta. Bạn không thể trải nghiệm được sự phục sinh nếu trước tiên bạn không trải nghiệm cái chết: là nỗi đau đớn do sự vấp ngã trong tội lỗi, thất bại trong việc giữ sự trung tín, hay tuyệt vọng trong sự yếu đuối của bản thân... Chúng ta cũng là những môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta cũng đã được gọi, chúng ta cũng đã bước theo Người, có những lúc chúng ta cũng đã nhiệt thành, hăng hái, có những lúc đức tin chúng ta rất mạnh mẽ, nhưng cũng có những lúc chúng ta thất bại giống như Phêrô vậy. Qua câu chuyện của Phêrô chúng ta cũng hãy nhận ra rằng tình yêu Chúa luôn ôm lấy chúng ta. Những lúc chúng ta ngã xuống, lòng thương xót của Chúa sẽ luôn nâng chúng ta dậy. Chúa biết rõ rằng tình yêu của chúng ta dành cho Ngài sẽ không bao giờ có thể sánh bằng tình yêu Ngài dành cho chúng ta, và vì lý do này, Ngài không đòi hỏi chúng ta những điều lớn lao. Ngài yêu chúng ta trước, bất kể chúng ta có khả năng yêu Ngài hay không, bất kể sự phản bội lớn hay nhỏ của chúng ta. Lời Chúa trong Chúa Nhật III Phục Sinh này mời gọi chúng ta hãy luôn tin tưởng, cậy trông vào Chúa. Chính lòng thương xót của Người sẽ đưa ánh sáng Phục sinh của Đức Giêsu chạm vào tâm hồn chúng ta và sẽ biến đổi chúng ta thành người môn đệ đích thực của Người! Ngày 01 tháng 05 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C Thánh Lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh Suy niệm về Thứ Sáu Tuần Thánh Thứ Sáu Tuần Thánh - Sống đối diện cái chết để làm trỗi dậy sự sống Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C Lễ Truyền Tin Suy Niệm Lời Chúa - Thư Tư Lễ Tro