OMI VIỆT NAM::Suy niệm về Thứ Sáu Tuần Thánh Mùa Chay - Phục Sinh Suy niệm về Thứ Sáu Tuần Thánh Vicente Nguyễn Hoàng Quân, Tiền tập sinh OMI Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày đặc biệt trong phụng vụ của Giáo hội, ngày tưởng nhớ sự hy sinh và đau khổ của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại. Đây là một ngày lễ quan trọng, không chỉ trong lịch sử cứu độ mà còn trong đời sống linh thiêng của mỗi Kitô hữu. Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là một ngày của sự thất vọng, nhưng là ngày để chúng ta dừng lại và suy niệm về tình yêu vĩ đại mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta, về sự đau khổ và cái chết Ngài chịu đựng để mang lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại. Thứ sáu Tuần Thánh là Mầu nhiệm của sự hy sinh Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi nhìn lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Đấng đã chịu đau khổ tột cùng không chỉ về thể xác mà còn về tinh thần. Ngài bị bắt, bị đánh đập, bị nhục mạ và bị kết án tử trên Thánh Giá. Đây không chỉ là cái chết thông thường của một con người, mà là cái chết của Đấng vô tội, Đấng không có tội lỗi nào nhưng đã chọn mang lấy tội lỗi của nhân loại. Chúa Giêsu đã tự nguyện vác Thánh Giá, đi đến đồi Golgotha, nơi Ngài sẽ hoàn tất công trình cứu độ bằng cái chết của mình. Sự hy sinh của Chúa Giêsu trên Thánh Giá không phải là một sự hy sinh đơn giản. Ngài không chỉ chịu đựng sự đau đớn thể xác mà còn gánh chịu sự cô đơn tuyệt vọng khi bị chính những người Ngài yêu thương bỏ rơi. Trong giờ phút ấy, Ngài cảm nhận sự tách biệt hoàn toàn với Cha, khi Ngài kêu lên: "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con". (Mc 15,34). Đây là lời của một con người bị bỏ rơi, bị phản bội. Không ai trong những người Cha nhân loại này có thể nhìn con mình bị người khác hành hạ, sỉ nhục, và treo trên thập giá mà không một chút xót thương. Chẳng ai trong chúng ta có thể hiểu được cảm xúc lúc ấy của Chúa Cha, có lẽ Ngài cũng đau khổ, Ngài cũng xót thương người con độc nhất của Ngài, Ngài có thể dùng quyền năng của Thiên Chúa mà tiêu diệt sự ác. Vậy mà, Ngài chỉ lặng yên, chấp nhận để nhìn Người Con Yêu Dấu bị hành hạ. Đó là cách thế Thiên Chúa chọn để mạc khải quyền năng của Lòng Thương Xót. Bên cạnh đó, khi nhìn lên hình ảnh của Mẹ Maria chúng ta mới thấy được một sự hy sinh, một sự vâng phục đến “bất ngờ”, Mẹ lặng lẽ theo Chúa Giêsu trên suốt chặng đường khổ giá, nhìn những giọt nước mắt Mẹ rơi chúng ta hiểu được Mẹ đau khổ thế nào, nhưng Mẹ vẫn kiên trì, chịu đựng để chấp nhận và thi hành Thánh ý Chúa. Chúa Giêsu không chết vì bản thân Ngài, mà vì chúng ta. Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày để mỗi Kitô hữu nhìn nhận và suy ngẫm về tình yêu vĩ đại của Chúa. Ngài không chết vì những người công chính, nhưng Ngài chết vì những người tội lỗi, vì tất cả chúng ta. Tình yêu ấy được trao ban cách vô điều kiện và không có giới hạn. Chính vì vậy, sự hy sinh của Chúa Giêsu trên Thánh Giá không chỉ là mầu nhiệm đau khổ mà còn là mầu nhiệm tình yêu đích thực, tình yêu mà Ngài trao ban cho chúng ta không một chút đắn đo, không tính toán và tình yêu ấy được chuộc bằng giá máu của Ngài. Thứ sáu Tuần Thánh là Mầu nhiệm của sự cứu độ Thứ Sáu Tuần Thánh cũng là ngày chúng ta nhìn nhận mầu nhiệm của sự cứu độ. Chúa Giêsu không chết một cách vô nghĩa, nhưng là cái chết mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Khi Chúa Giêsu chịu chết, Ngài đã hoàn tất ý muốn của Thiên Chúa, đó là mở ra con đường hòa giải giữa Thiên Chúa và con người. Sự chết của Ngài không phải là sự kết thúc, mà là khởi đầu của sự sống mới. Thánh Phaolô viết: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết” (2Cr 5,14). Qua cái chết của Chúa, nhân loại được cứu chuộc khỏi ách nô lệ tội lỗi, được giải thoát khỏi sự chết đời đời và mở ra cho con người cơ hội được sống trong sự sống vĩnh cửu. Thứ Sáu Tuần Thánh cũng là ngày để chúng ta nhìn nhận sự chiến thắng của tình yêu Thiên Chúa. Mặc dù cái chết của Chúa Giêsu xem ra có vẻ như là một thất bại trước mắt, nhưng đó lại là chiến thắng cuối cùng của tình yêu và sự sống. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá là một chiến thắng vì qua đó Ngài đã đập tan quyền lực của tội lỗi và sự chết. Ngài đã chiến thắng sự tối tăm của thế gian và mở ra con đường của sự sáng, sự sống và tình yêu. Chính Thánh Giá, mặc dù là biểu tượng của sự khổ đau, lại trở thành biểu tượng của sự chiến thắng và tình yêu cứu độ. Thứ sáu Tuần Thánh là Mầu Nhiệm của sự tha thứ Một trong những điều đặc biệt mà chúng ta có thể thấy trong Thứ Sáu Tuần Thánh là mầu nhiệm của sự tha thứ. Trong suốt cuộc khổ nạn của mình, Chúa Giêsu không hề lên án những kẻ đã làm hại Ngài, mà Ngài luôn thể hiện lòng tha thứ. Ngài cầu nguyện cho những người đã đóng đinh Ngài: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34). Đây là lời cầu nguyện đầy yêu thương và bao dung, là một lời mời gọi mỗi người chúng ta sống trong tinh thần tha thứ. Sự tha thứ của Chúa Giêsu trên Thánh Giá là một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta. Đó không phải là sự tha thứ dễ dàng, đặt vào trong hoàn cảnh của mỗi người chúng ta khi có ai đó mang đến cho chúng ta những đau khổ, những sự sỉ nhục. Chắc chắn rằng chẳng ai có thể tha thứ một cách dễ dàng như vậy, chỉ có Giêsu, Ngài mới tha thứ cho chúng ta một cách dễ dàng như vậy và Ngài cũng mời gọi chúng ta vượt qua sự thù hận, sự ghen tị và những tổn thương trong cuộc sống, để sống trong yêu thương và hòa giải. Chúng ta được mời gọi tha thứ cho những người đã làm tổn thương chúng ta, và cũng được mời gọi nhìn nhận rằng chính chúng ta cũng cần sự tha thứ từ Thiên Chúa. Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày mời gọi sự hoán cải tận căn Trong những giờ phút thinh lặng của Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta hãy để cho tình yêu của Chúa Giêsu thấm nhập vào trái tim mình, để mỗi chúng ta cảm nhận được sự tha thứ và ơn cứu độ mà Ngài đã dành cho chúng ta. Cái chết của Ngài là dấu chỉ tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho con người. Và khi suy niệm về Thánh Giá, chúng ta cũng được mời gọi yêu thương, hy sinh và tha thứ như Chúa đã làm và cũng là ngày để mỗi người Kitô hữu sống lại mầu nhiệm tình yêu của Chúa, để cảm nghiệm sự sâu sắc của tình yêu ấy trong cuộc sống mình, và để cùng Ngài bước vào mầu nhiệm của sự phục sinh. Thứ sáu Tuần Thánh cũng là ngày mà qua cái chết của Chúa đã có những tâm hồn đã được Tình Yêu của Thiên chúa đụng chạm, biến đổi. Một tấm gương mà có lẽ chúng ta sẽ còn nhắc đến nhiều lần, đó chính là hình ảnh của Cha Thánh I-giê-ni-ô Mai Thiên Lộc. Ngài đã viết về kinh nghiệm hoán cải của mình trong dịp tĩnh tâm vào tháng 12 năm 1814: “Làm sao tôi có thể quên được những giọt nước mắt cay đắng tuôn trào khi ngắm nhìn tượng Thánh Giá vào một ngày Thứ Sáu Tuần Thánh? Quả thật, nước mắt cứ tuôn trào từ trái tim tôi, không sao có thể ngăn chúng được… và chính điều này đã khiến tôi vô cùng xót xa, vì chính tôi lúc ấy đang ở trong tình trạng tội lỗi. Có thể sau đó tôi cảm nhận một vài điều khác biệt. Tuy nhiên, chưa bao giờ tâm hồn tôi thỏa mãn đến thế, chưa bao giờ tâm hồn tôi cảm thấy hạnh phúc đến như vậy; vì giữa dòng nước mắt tuôn trào, bất chấp nỗi đau xót của tôi, hay đúng hơn là qua nỗi xót xa của tôi, tâm hồn tôi chắp cánh cho kết cục sau cùng của nó, nó cảm nhận được Thiên Chúa là Đấng duy nhất tốt lành mà nó đã đánh mất. Tại sao tôi lại nói nhiều vậy nhỉ? Có bao giờ tôi đã bày tỏ những gì tôi đã trải nghiệm sau đó? Chỉ là ký ức về điều đó lấp đầy trái tim tôi với sự thỏa mãn thật ngọt ngào. Bởi lẽ, lâu nay tôi đã tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài Thiên Chúa, và bên ngoài Ngài, tôi tìm thấy những phiền não và thất vọng. Phúc thay, ngàn lần may mắn, rằng Thiên Chúa, Người Cha tốt lành này, bất chấp sự bất xứng của tôi, đã ban cho tôi tất cả sự giàu có của lòng thương xót của Người.” Đối với I-giê-ni-ô Mai Thiên Lộc thì mãi đến năm 25 tuổi, cuộc đời của Ngài mới dần dần được biến đổi nhờ một kinh nghiệm được ơn hoán cải. Trong lúc chiêm ngắm tượng Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1807, Cha Thánh I-giê-ni-ô đã có một kinh nghiệm thật đặc biệt về tình yêu của Chúa Kitô, cũng như sự tha thứ tội lỗi mà Người đã dành cho ngài. Đây là một kinh nghiệm khiến ngài quyết định hiến dâng đời mình cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của mình. Trong thực tế, kinh nghiệm được ơn hoán cải đã thay đổi hoàn toàn con người cha Thánh I-giê-ni-ô Mai Thiên Lộc. Trước đây, ngài đã từng đam mê tìm kiếm sự giàu có, để lấy lại danh dự cho gia đình và gia tộc mình; thì sau này, ngài lại say mê tìm kiếm vinh quang Nước Thiên Chúa. Quả thế, sự hoán cải của ngài diễn ra dần dần qua những trải nghiệm tốt và xấu, nhưng lúc nào cũng có một cuộc gặp gỡ cá nhân với ân sủng thiêng liêng. I-giê-ni-ô đã cảm nghiệm rằng Thiên Chúa đã quá yêu thương ngài, nhìn ngài cách trìu mến và đầy xót thương. Đắm mình vào sức mạnh của Đấng Cứu Độ, cuộc sống của cha Thánh đã được biến đổi và càng ngày ngài càng trở nên giàu lòng trắc ẩn với mọi người. Đang khi chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh, một dòng nước mắt hối hận trong lòng ngài đã tuôn rơi. Một cảm giác tội lỗi tràn ngập tâm hồn ngài và ngài đã bày tỏ sự hối tiếc về quá khứ tội lỗi của mình. Ngài nói: “Tôi đã tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài Thiên Chúa, và bên ngoài Người, tôi chỉ thấy những phiền não và thất vọng. Phúc thay, ngàn lần may mắn, rằng Thiên Chúa, Người Cha tốt lành này, bất chấp sự bất xứng của tôi, đã ban cho tôi tất cả sự giàu có của lòng thương xót của Người.” Thật vậy, hình ảnh về Thiên Chúa chịu đau khổ đã lay động trái tim ngài và ban cho ngài niềm hạnh phúc mà ngài đã tìm kiếm trong suốt cuộc đời. Đây là đỉnh cao của kinh nghiệm hoán cải của Cha Thánh I-giê-ni-ô Mai Thiên Lộc; Trước Thánh Giá, ngài nhìn thấy Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ quyền năng và ngài đã trải nghiệm một niềm an ủi thật ngọt ngào, vì ngài biết rằng ngài là một người tội lỗi được xót thương và cứu chuộc bởi tình yêu của Chúa Kitô. Qua tấm gương của Cha Thánh, một con người tội lỗi được Chúa Giêsu hoán cải, cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy biết nhìn lên Thập Giá, nơi Chúa Giêsu đang bị treo trên đó mà biết quay về để đón nhận ơn tha thứ và có thể kết hiệp mật thiết với Ngài. Chúng ta hãy để mình được chìm đắm trong tình yêu của Chúa để chân nhận mầu nhiệm của sự hy sinh và ơn cứu độ mà Chúa đã chuẩn bị cho mỗi người chúng ta. Ngày 17 tháng 04 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C Thánh Lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh Thứ Sáu Tuần Thánh - Sống đối diện cái chết để làm trỗi dậy sự sống Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C Lễ Truyền Tin Suy Niệm Lời Chúa - Thư Tư Lễ Tro Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm C