OMI VIỆT NAM::Thánh Lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh Mùa Chay - Phục Sinh Thánh Lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh Đức Giê-su yêu họ đến cùng. Tin Mừng Ga 13,1-15 ✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. 1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. 2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3 Đức Giê-su biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. 6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người : “Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?” 7 Đức Giê-su trả lời : “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8 Ông Phê-rô lại thưa : “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” Đức Giê-su đáp : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” 9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa : “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” 10 Đức Giê-su bảo ông : “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !” 11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : “Không phải tất cả anh em đều sạch.” 12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? 13 Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” Suy niệm: Mức độ của tình yêu Khởi đầu Tam Nhật Thánh, chúng ta dành ít thời gian suy nghĩ về tình yêu. Tình yêu xưa như trái đất. Tuy nhiên, tình yêu cũng không bao giờ là cũ, nó luôn luôn mới, mang nhiều màu sắc, phong phú trong cách diễn tả và phẩm chất khác nhau…xưa nay, các thi sĩ, văn gia, nghệ nhân tốn vô số giấy mực để mô tả tình yêu dưới nhiều khía cạnh vui buồn phấn khởi, khổ đau! “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu; yêu là chết trong lòng một ít; Hãy để nghe trời giảng nghĩa yêu”…muôn màu muôn vẻ ! Phụng vụ lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay giới thiệu cho chúng ta những hành vi khó hiểu và lời giáo huấn gây ngỡ ngàng của Chúa Giê-su, lạ lùng đến nỗi, nếu không có ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần và giáo huấn tông truyền của Hội Thánh soi sáng thì không ai có thể hiểu và chấp nhận được! Hành vi ‘điên dại’ ấy chỉ có thể giải thích được trong tình yêu và chỉ trong tình yêu ! Trong tương quan người với người, tình yêu bó gọn trong một giới hạn rất hẹp hòi: có tình yêu vị kỷ, chỉ quy hướng về bản thân mình; cũng có tình bạn sẻ chia với tha nhân, cao hơn chút nữa có tình yêu quảng đại biết tự hiến hy sinh cho người khác. Tình yêu con người dù có tha thiết đến mức nào đi nữa nó vẫn mang những nét bất toàn và phù du: vẫn có những vệt tối trong mối tình trong sáng nhất, không thiếu những toan tính vị kỷ qua những lời tỏ tình say đắm nhất, những bất trung dẫn đến những vỡ nát của nhiều quả tim vốn trước đã cùng thề non hẹn biển cho đến đầu bạc răng long…! Còn Thiên Chúa, Người là ai đối với chúng ta? Người đối xử với chúng ta thế nào? Thánh Gio-an tông đồ quả quyết: Thiên Chúa là Tình Yêu! Ngài viết tiếp: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một để những ai tin vào Người Con ấy thì khỏi phải hư đi nhưng được sống đời đời. Qua lời này, thánh giáo phụ Âu-tinh đã chú giải súc tích việc Thiên Chúa đã làm cho chúng ta:ban Con Một; mục đích việc Người làm là để những ai tin vào Con của Người khỏi phải chết nhưng được sống đời đời. Nhưng chúng ta hãy để ý đến cách thức, động lực thúc đẩy Người làm: yêu, vì yêu, Thiên Chúa đã ban chính Con Một… Vì yêu, Đức Giê-su hằng làm đẹp lòng Cha trong mọi sự; Người yêu con người, để cứu nhân loại, Người đã hoàn toàn vâng phục ý Cha cho đến chết, chết trên thập giá! Yêu như Giê-su đã yêu: yêu đến cùng! không lúc nào không yêu, yêu trong mọi hoàn cảnh, yêu cho đến hơi thở cuối cùng vẫn còn yêu: yêu đến độ không còn có thể yêu thêm được nữa, yêu đến thí mạng, chết cho người mình yêu! Mức độ của tình yêu là yêu không mức độ! Thầy đã nêu gương… Thầy là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em. Đức Giê-su đã phục vụ chúng ta thế nào? bằng sự tự huỷ, tự làm trống rỗng chính mình: Từ địa vị tối cao là Thiên Chúa, Người bỏ trời xuống thế làm người, chưa đủ, Người còn hạ mình thấp hèn làm kiếp nô lệ, vâng lời Thiên Chúa đến mức bằng lòng hiến thân chịu chết trên thập giá thay cho loài người tội lỗi; trong bữa tiệc ly, Người đứng dậy, rời bàn ăn cúi xuống rửa chân cho các học trò như một hành vi của kẻ nô lệ phục vụ ông chủ…việc Chúa Giê-su cởi áo, bỏ xuống, rửa chân của cho các môn đệ; mặc áo vào, lấy lại, rồi về chỗ tiên báo sự khổ nạn, cái chết sự sống lại vinh hiển của Người để cứu chuộc nhân loại. Kinh Thánh khẳng định Đức Ki-tô đã chết vì tội chúng ta trong khi chúng ta còn là tội nhân, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu chúng ta: Không có tình yêu nào cao cả hơn là tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu. Hình ảnh con chiên bị sát tế và máu nó bôi lên cửa nhà những người được cứu thoát cũng như việc Người trao ban thánh chức linh mục và thiết lập bí tích Thánh Thể, tất cả nhằm hiện tại hoá sự tự huỷ và tình yêu khôn tả của Người đối với nhân loại cho đến ngày Chúa đến. …Để anh em cũng làm như Thầy. Anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Chúa Giê-su có ý chuyển giao sứ điệp nào qua việc rửa chân? Hành động này chắc hẳn không phải là việc vệ sinh sạch sẽ hay là hành vi tỏ lòng hiếu khách theo thói quen người Do Thái thường làm trước bữa ăn! Đức Giê-su đã thực hiện cử chỉ này trong bữa ăn, Người muốn diễn tả sự xoá mình đến mức độ khiến các môn đệ ngỡ ngàng mà, ngày hôm sau, Người hoàn tất sự phục vụ ấy trên cây thập tự. Thập giá Chúa Ki-tô là đỉnh điểm sự phục vụ của Người với Chúa Cha và với toàn nhân loại. Rửa cho nhau là đón nhận nhau, không loại trừ nhau, là khiêm nhường giúp đỡ và sửa lỗi cho nhau, dù người anh em có ‘bẩn dơ’ thế nào, không ai tự chặt tay chặt chân mình bao giờ, vì anh em là tay chân của mình! Mừng Tam Nhật Thánh, dưới ánh sáng Lời Chúa, nhìn ngắm việc Chúa Giê-su làm, chúng ta tha thiết xin Chúa thương mở rộng tâm hồn của chúng ta, xin Người đổ đầy tình yêu của Người vào con tim hạn hẹp của chúng ta nhờ Thánh Thần Người ban cho chúng ta, để chúng ta có thể cảm nghiệm tình yêu vô bờ bến của Chúa trong Chúa Giê-su dành cho mỗi chúng ta, giúp chúng ta xây dựng nền móng kiên cố trong tình yêu mến; xin cho chúng ta có sức thấu hiểu mọi chiều rộng dài cao sâu của lòng mến, được biết Tình yêu của Đức Ki-tô siêu vời vượt quá trí hiểu của loài người, để chúng ta say mến Chúa, say mến nhau, khiêm tốn, quảng đại, hy sinh phục vụ nhau như Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Lm. Casimia Nguyễn Ngọc Thanh, OMI Yêu thương đến cùng - Mầu nhiệm Giao Ước Mới Trong bầu khí linh thiêng của Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta không chỉ tưởng nhớ biến cố xưa kia tại phòng Tiệc Ly, mà còn được mời gọi bước vào trung tâm của mầu nhiệm đức tin: Thánh Thể, chức tư tế và tình yêu tự hiến đến cùng. Đây không chỉ là một ngày đặc biệt trong Năm Phụng Vụ, mà còn là dịp để chúng ta, những người Hiến Sĩ, trở về tận căn rễ của ơn gọi: được sai đi để loan báo Tin Mừng trong tình yêu của Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng (x. Ga 13,1). Bài đọc thứ nhất, trích từ sách Xuất Hành (Xh 12,1-14), kể lại bữa ăn Vượt Qua đầu tiên của dân Israel. Một chiên con không tì vết được giết vào lúc chiều tà, và máu của nó được bôi lên khung cửa như dấu chỉ cứu độ. Dân Israel ăn thịt chiên trong tư thế sẵn sàng lên đường, sẵn sàng cho một cuộc giải thoát lớn lao. Tuy nhiên, chiên vượt qua ấy không chỉ là một nghi thức của quá khứ. Đó là dấu chỉ ngôn sứ, hình bóng tiên báo về điều sẽ đến: Đức Giêsu Kitô, Chiên Thiên Chúa, Đấng sẽ lấy chính máu mình thiết lập một Giao Ước Mới. Giao Ước này không còn dựa trên máu chiên bò, mà được đóng ấn bằng chính Máu Con Một Thiên Chúa – máu đổ ra không chỉ để cứu một dân, mà để cứu toàn thể nhân loại. Như Thánh Phaolô viết (1Cr 11,23-26): “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, là anh em loan truyền Chúa chịu chết cho tới khi Người đến.” Thánh Thể không chỉ là tưởng niệm mà là hiện tại hóa – là đem hy tế Thập Giá vào giữa lòng thế giới hôm nay, ngay trong bàn tay linh mục, trong tim người tu sĩ, trong từng thánh lễ và trong từng nghĩa cử phục vụ âm thầm. Phụng vụ hôm nay không kể chuyện Đức Giêsu cầm lấy bánh và chén (như trong Tin Mừng Nhất Lãm), nhưng Gioan lại nhấn mạnh một hành động tưởng chừng nhỏ bé: Ngài rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-15). Đây là hành động gây sốc, vì trong văn hóa Do Thái, rửa chân là việc dành cho người đầy tớ thấp nhất. Thế mà chính Thầy đã quỳ xuống, cầm lấy bàn chân bụi bặm của các môn đệ mà rửa, dù biết Phêrô sẽ chối Thầy và Giuđa đang toan tính phản bội. Và Ngài nói: “Anh em hãy làm như Thầy đã làm cho anh em.” Đây không chỉ là lời mời gọi đạo đức mà là một linh đạo: con đường của người được thánh hiến, không giữ lại gì cho mình, không nắm quyền, mà cúi xuống phục vụ, rửa chân đời người bằng lòng xót thương và khiêm nhường. Thánh Eugène de Mazenod – Đấng sáng lập Hội Dòng Hiến Sĩ – đã sống và truyền lại cho chúng ta một linh đạo rất rõ: sống trọn mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh giữa lòng thế giới, đặc biệt với người nghèo, người bị bỏ rơi và những ai chưa được nghe Tin Mừng. Lễ Thứ Năm Tuần Thánh nhắc lại căn tính ấy. Chúng ta là những người tu sĩ Hiến Sĩ – không chỉ là những người “cử hành Thánh Thể,” mà còn được mời gọi trở nên Thánh Thể: trở nên bánh được bẻ ra, trở nên máu được đổ ra, để nuôi sống những ai đang đói khát sự sống, công lý và tình thương. Không có đời sống tận hiến nào “an toàn” cả. Nếu thật sự bước theo Đức Kitô, chúng ta sẽ phải tự hạ, phải ra đi và có thể cả chịu đóng đinh – nhưng đó chính là con đường mang lại sự sống. Tin Mừng hôm nay cũng nhắc đến bóng tối: Giuđa phản bội, Phêrô chối Thầy. Đây không phải là chuyện xưa. Mỗi cộng đoàn, mỗi đời tu đều có thể có những “đêm tối của linh hồn”: những giới hạn, những thất vọng và cả những sa ngã. Nhưng điều đáng kinh ngạc là: Đức Kitô vẫn yêu thương đến cùng. Yêu không điều kiện. Yêu dù biết sẽ bị từ chối. Yêu cho đến khi máu chảy giọt cuối cùng. Đó là nền tảng của đời tu: không phải vì ta hoàn hảo, mà vì ta được yêu. Chính trong yếu đuối ấy, ta mới có thể học được lòng thương xót – đối với chính mình và với người khác. Lễ Thứ Năm Tuần Thánh không kết thúc ở bàn thờ. Nó dẫn ta ra ngoài – đến với cộng đoàn, với sứ vụ, với thế giới. Giữa một xã hội đang chia rẽ, khô cứng và lạnh lùng, chứng tá của người tu sĩ chính là trở nên Bánh bẻ ra, trở nên người rửa chân, trở nên hiện thân của tình yêu đến cùng. Chúng ta không chỉ sống Thánh Thể trong nhà nguyện. Chúng ta phải sống Thánh Thể giữa đời. Phải trở nên một “Bữa Tiệc Ly nối dài,” nơi ai gặp ta cũng có thể cảm nhận được hơi ấm của Chúa, vị mặn của hy sinh và ánh sáng của hy vọng. Hôm nay, khi cùng Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta cũng được mời gọi tái xác nhận ơn gọi và căn tính của mình: là người của Chúa Kitô, là người của Thánh Thể, là người sống để yêu đến cùng. Nguyện xin cho mỗi hành động phục vụ, mỗi giờ chầu thinh lặng, mỗi thánh lễ ta cử hành – và cả những vết thương ta mang – trở thành một bài ca sống động về lòng thương xót, về Giao Ước Mới, về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. “Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh…” (Tv 88) Jos. Nguyễn Văn Hoàn, OMI Ngày 17 tháng 04 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C Suy niệm về Thứ Sáu Tuần Thánh Thứ Sáu Tuần Thánh - Sống đối diện cái chết để làm trỗi dậy sự sống Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C Lễ Truyền Tin Suy Niệm Lời Chúa - Thư Tư Lễ Tro Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm C