OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật III Phục Sinh Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật III Phục Sinh Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại. Tin Mừng Lc 24,35-48 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em !” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không ?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Rồi Người bảo : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” Suy niệm: Nếu Đức Ki-tô không sống lại, thì niềm tin của người Ki-tô hữu sụp đổ hoàn toàn. Hai môn đệ trên đường Emmaus hôm nay đã tỏ rõ sự thất vọng, vì trước đó các ông đã chọn Chúa, đi theo Chúa. Những con đường miền Galilê đã rất quen thuộc với các ông, khi các ông đi theo Chúa trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Nhưng mấy ngày gần đây, Chúa đã bị bắt, bị đánh đòn, bị kết án và chết trên thập giá, thân xác Người đã bị chôn trong mồ. Mọi sự đã rõ ràng, Chúa đã chết thật rồi. Giấc mơ theo Chúa làm môn đệ đã tan thành mây khói. Buồn chán, thất vọng. Hôm nay các ông bỏ về quê, về làng Emmaus. Đang trên đường về Emmaus, Đức Giê-su hiện ra đồng hành với các ông, nhưng các ông không nhận ra Người. Thấy các ông buồn rầu về việc Đức Giê-su đã chết, Người liền giải nghĩa Kinh Thánh cho các ông: Nào Đấng Ki-tô chẳng phải chịu khổ hình thập giá, rồi mới bước vào vinh quang đó sao? Đức Giê-su người Na-da-rét sẽ chịu nạn, chịu chết, chịu chôn trong mồ, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại. Khi nghe Đức Giê-su giải nghĩa Kinh Thánh, lòng các ông phấn khởi như bừng cháy lên, nhưng các ông vẫn chưa nhận ra Đức Giê-su, chỉ đến bữa tối hôm đó, Đức Giê-su cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các ông, mắt các ông mới mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Đức Giê-su biến mất. Khi buồn rầu, thất vọng, các môn đệ đã bỏ Giê-ru-sa-lem để về lại quê hương mình. Đây là một chọn lựa rất thường gặp khi một người thất bại, chán nản, họ thường trở về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình để mong tìm được chút gì an ủi. Nhưng trường hợp của hai môn đệ hôm nay không đơn giản như vậy, bởi vì bỏ Giê-ru-sa-lem là bỏ lại nơi mà Đức Giê-su đã đến để chịu nạn chịu chết cho nhân loại, trong đó có hai môn đệ. Như vậy, bỏ Giê-ru-sa-lem được xem như bỏ đi công ơn cứu chuộc Chúa đã dành cho mình. Do hai môn đệ nghĩ rằng Thầy Giê-su đã chết và chết mãi mãi, nên hai ông mới bỏ Giê-ru-sa-lem. Nhưng khi về làng Emmaus lại được Chúa hiện ra, Chúa đã phục sinh, được gặp Chúa, các ông vô cùng vui mừng, và ngay trong đêm, các ông trở lại Giê-ru-sa-lem, trở lại với Đấng khơi nguồn ơn cứu độ. Cũng vậy, Chúa đã thiết lập Giáo Hội và các Bí tích, để qua đó Chúa thông ban ân sủng cho những ai có lòng tin. Nhưng lại có những người rời xa Giáo Hội, hoặc chỉ có tên trong sổ Rửa tội, mà không hề hiệp thông với Giáo Hội. Họ đang xa rời nguồn ơn thiêng mà Chúa đã sắm sẵn cho họ. Đức Giê-su Phục Sinh vẫn đang sống, đang hoạt động trong thế giới và trong tâm hồn mỗi người. Đức Giê-su hôm qua, cũng như hôm nay và mãi mãi là một. Ngày nay, Đức Giê-su Phục Sinh vẫn đang hiện diện trong đời sống của chúng ta, nhưng chúng ta có nhận ra Ngài hay không? Xưa Chúa đã giải nghĩa Kinh Thánh cho hai môn đệ trên đường Emmaus. Ngày nay, Chúa Phục Sinh cũng nhiều lần, nhiều cách giải nghĩa màu nhiệm cuộc sống cho mỗi người chúng ta. Ngài giải nghĩa cho chúng ta qua tiếng lương tâm: tiếng lương tâm tuy âm thầm, mà thật rõ ràng, tuy nhẹ nhàng mà rất thúc bách. Mỗi lần chúng ta nói sự thật, sống sự thật, chúng ta thấy tâm hồn thư thái, bình an, và ngược lại, khi chúng ta không sống sự thật, chúng ta thấy tâm hồn bất an. Chúa nói với chúng ta qua Kinh Thánh là Lời của Ngài: ngươi phải thờ phượng và kính mến Đức Chúa trên hết mọi sự, và yêu người thân cận như chính mình. Chúng ta đã thực hành Lời Chúa ra sao? Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. Chúng ta vẫn biết điều đó, nhưng chúng ta có thực sự để Lời Chúa hướng dẫn đời ta hay không? Chúa dậy, có thì nói có, không thì nói không. Thêm bớt là bởi ma quỷ. Khi gian dối, thêm thắt đặt điều là chúng ta đứng về phía ma quỷ, đứng về phía bóng tối, đứng về phía sự chết! Nhưng chúng ta có quyết tâm xa lánh hay không? Chúa nói với chúng ta qua những điều kỳ diệu nơi vũ trụ vạn vật. Chúa nói với chúng ta trong ánh sáng ban ngày, Chúa nói với chúng ta trong giấc ngủ ban đêm. Nhưng chúng ta có nhận ra tiếng Ngài hay không? Với hai môn đệ, nhờ có lòng bác ái chân thành, đã mời người lữ hành ở lại với mình vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn. Chính vì vậy, khi dùng bữa tối, Đức Giê-su đã tỏ mình ra cho các ông. Ngày nay, Chúa Giê-su Phục Sinh cũng mong mỏi có dịp để tỏ mình ra cho chúng ta. Nơi những người đang đau khổ, bị bỏ rơi, Chúa mong chúng ta đến giúp đỡ họ, để Chúa tỏ mình ra cho chúng ta. Nơi những người đau yếu bệnh tật, những người nghèo, những người cô thân cô thế, Chúa mong chúng ta đến giúp đỡ, an ủi họ, để Chúa tỏ mình ra cho chúng ta. Trời đã xế chiều và ngày sắp tàn rồi, không biết Chúa có cơ hội để tỏ mình ra cho chúng ta hay không? Chúa nói: ai phục vụ Thầy hãy theo Thầy, để Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó. Chúng ta sẽ gặp được Chúa, nếu chúng ta đi theo con đường Chúa mời gọi. Chúng ta sẽ được ở với Chúa, nếu chúng ta cùng làm công việc với Ngài. Chúng ta sẽ được phục vụ Chúa nếu chúng ta tin vào Lời của Ngài: ai phục vụ một trong những kẻ bé mọn nhất, là phục vụ cho chính Thầy. Hãy xác tín vào Lời Chúa. Hãy thực hiện Lời của Ngài để được ở lại trong Ngài. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, khi hai môn đệ từ Emmaus trở về Giê-ru-sa-lem thuật lại cho các môn đệ khác về những gì đã xẩy ra dọc đường, và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Chúa Giê-su hiện ra đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Các ông kinh hồn bạt vía tưởng là thấy ma. Câu Tin Mừng này cho thấy sự nhát đảm và yếu lòng tin nơi các môn đệ. Đồng thời cũng nói lên tình yêu thương và sự quan tâm của Chúa đối với các ông. Chúa biết các môn đệ đang lo âu sợ hãi, nên Chúa nói: “Bình an cho anh em”. Nếu bình tâm suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy: nếu là ma, sao lại chúc bình an cho các ông? Và nếu các ông còn nhớ Chúa Giê-su đã lặp đi, lặp lại trước đây rằng: Người sẽ chỗi dậy từ cõi chết, thì các ông đâu sợ hãi đến kinh hồn bạt vía như vậy, lại còn tưởng Chúa là ma! Đức Giê-su, một người Thầy, một hình ảnh quá đỗi gần gũi thân thương như vậy, thế mà các ông vẫn không nhận ra, mà còn tưởng là ma. Chắc Chúa Giê-su buồn lắm! Lời một bản Thánh ca: Con tưởng rằng con vững tin, tin vào Chúa là Cha nhân hiền, khi đời sống nhẹ trôi êm đềm, với tháng ngày lặng lẽ bình yên. Nhưng khi đường đời gieo nguy khó, bên trời ngập tràn cơn giông tố, con lo âu, lạc bến xa bờ, con mới biết rằng con chưa vững tin. Vì lạy Chúa, Chúa biết con yếu đuối và đổi thay. Con luôn cần đến Chúa từng phút giây. Nhờ ơn Chúa, con kiên trì tín thác kể từ đây, khi an vui cũng như khi sầu đầy. Vâng, thân phận con người rất yếu đuối mỏng dòn. Ngày hôm nay, cũng không ít lần chúng ta yếu đuối, nghi ngờ về sự hiện diện của Chúa, chúng ta cũng lo âu, sợ hãi nhiều điều. Nhất là những lúc khó khăn, nguy hiểm, những lúc chúng ta thất bại. Mặc dầu mỗi khó khăn, mỗi thất bại đều cho ta một bài học. Những thất bại tưởng chừng vô cùng cay đắng, nhưng có thể lại là liều thuốc bổ cho đời sống đức tin, cho hành trình nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa. Chính qua những đau khổ, những thất bại, chúng ta có thể nhận ra sự can thiệp của Chúa, Chúa đang giúp chúng ta khởi sự một hành trình mới, vững vàng hơn trong đức tin và tha thiết hơn trong lòng mến. Thánh Phao-lô đã có kinh nghiệm rất sâu sắc khi bị ánh sáng chói lòa quật ngã khi đang cưỡi Ngựa trên đường Đa-mát. Thánh An-Phong cũng có kinh nghiệm này khi thất bại trong một vụ kiện mà ngài là luật sư. Thánh I-Nhã cũng không bao giờ quên những tháng ngày nằm dưỡng vết thương khi từ chiến trường trở về, nhờ đó ngài được đổi mới con tim, và trở thành người “môn đệ” của Chúa Giê-su. Xin cho chúng ta biết phó thác, và sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa cho cuộc đời chúng ta. Khi Chúa Phục Sinh hiện ra đứng giữa các môn đệ mà các ông vẫn chưa tin, vẫn hòai nghi! Trước hoàn cảnh đó, Chúa không khiển trách các ông, mà Chúa còn trấn an các ông bằng cách cho các ông xem những dấu đinh ở chân, tay và cạnh sườn Người. Ma đâu có xương, có thịt như Thầy có đây! Xem ra các ông vẫn chưa vững tin! Sự hoang mang, hoảng sợ vẫn hiện rõ trên gương mặt. Đức Giê-su lại phải tiếp tục củng cố đức tin cho các ông bằng cách cùng ăn, cùng uống với họ. Có lẽ vì họ nghĩ rằng: ma thì không thể ăn uống như người thật, nên Đức Giê-su lại phải ngầm giải thích cho các môn đệ khi cùng ăn, cùng uống với các ông. Đặc biệt, qua đó Đức Giê-su muốn giúp các môn đệ hiểu Màu Nhiệm Phục Sinh đích thực như thế nào. Đức Giê-su Phục Sinh hôm nay cũng như Đức Giê-su tại Na-da-rét năm xưa là một, và mãi mãi Ngài là Thầy Giê-su của các ông, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian. Chúa Giê-su không phải là một nhân vật của quá khứ. Ngài đang sống ngay sát bên cạnh ta, tuy giác quan ta không thấy. Đấng mà các bà trong nhóm các tông đồ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần ra thăm mộ Chúa, nhưng thấy mộ trống, và thiên thần hiện ra nói cho các bà biết Chúa đã sống lại, và bảo các bà đi báo tin cho các môn đệ của Ngài: Chúa sẽ gặp họ tại Ga-li-lê. Tâm trạng các bà vừa sợ, vừa vui mừng. Vui mừng vì Thầy mình đã sống lại, nhưng lại sợ, không phải nỗi sợ thông thường, mà là tâm trạng của người ý thức Thiên Chúa đang có mặt và hoạt động. Để tâm trạng chúng ta được bình an, chúng ta cần luôn nhớ Lời Chúa và sống Lời Chúa. Chúa nhắc nhớ các tông đồ: “khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24,44). Nếu tôi thực sự tin rằng Đấng Phục Sinh đang ở bên cạnh tôi, thì cuộc đời tôi sẽ khác. Mỗi sáng thức dậy tôi sẽ tâm sự với Chúa, tôi sẽ thân thưa với Chúa lịch làm việc của tôi, tôi sẽ xin Chúa hướng dẫn và chỉ dậy cho tôi những điều nên làm hay không nên làm. Tôi sẽ trình bày với Ngài về mọi dự định của tôi. Được như vậy, chắc chắn tôi sẽ rất hạnh phúc vì có Chúa cùng đồng hành, nâng đỡ và hướng dẫn tôi. Giờ đây, nếu tôi phải trả lời câu hỏi: anh sợ điều gì nhất? tôi sẽ trả lời: Tôi sợ nhất là không xác tín Chúa Phục Sinh hiện diện với tôi mọi phút giây trong cuộc sống. Lm Giuse Ngô Xuân Hiến, OMI. Cho Họ Xem Tay Và Cạnh Sườn Biến cố Đức Giêsu Phục Sinh quả là một biến cố vô cùng quan trọng, vì nhờ biến cố này các tông đồ, và qua các tông đồ đến các Kitô hữu, hiểu biết hơn về Đức Giêsu và về Thiên Chúa. Thiên Chúa đã và đang làm những điều tuyệt vời qua Đức Giêsu Kitô. 1. Đức Giêsu cố chứng minh cho các tông đồ Ngài thực sự đang sống Theo tin mừng Luca hôm nay, trong khi hai môn đệ trên đường Emmau trở về đang loan báo tin mừng Phục Sinh cho các tông đồ và các môn đệ khác, thì Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra cho các ông. Họ rúng động và sợ hãi vì tưởng mình thấy ma. Đức Giêsu đã cố gắng trấn an và thuyết phục họ: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc. 24, 39). Và không chỉ vậy, chính Đức Giêsu đã đưa tay chân cho các tông đồ kiểm chứng (Lc. 24, 40). Tuy vậy, dường như các tông đồ vẫn còn chưa tin, nên Đức Giêsu nói với các ông: “Ở đây anh em có gì ăn không? Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc. 24, 41-43). Người ta có cảm tưởng Đức Giêsu cũng vất vả thuyết phục và chứng minh cho các tông đồ rằng Ngài đã sống lại, Ngài hiện đang sống. Phục sinh là một biến cố rất đặc biệt, vượt dự đoán của con người. Các tông đồ cũng không phải là những người dễ tin. Tuy dù được báo trước ba lần Đức Giêsu sẽ chết và sẽ sống lại (Mc. 8, 31; 9, 31; 10, 33-34), nhưng các tông đồ cũng chẳng dễ dàng chấp nhận việc Ngài sống lại (Mc. 16, 9-13); và Đức Giêsu, tuy dù biết trước mình sẽ sống lại, cũng rúng động trước cái chết (Mc. 14, 35-36). Thân phận con người, lúc này biết, lúc khác phân vân nghi ngờ. Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự hủy để nhập thể làm người, nên Ngài chấp nhận thân phận con người cách hoàn toàn, nghĩa là, cũng bị cám dỗ, và ngay cả không biết, hoặc lúc này biết lúc khác phân vân nghi ngờ. Vì vậy, Đức Giêsu sống lại, là điều rất mới đối với các tông đồ và con người. Tuy nhiên, một khi được ơn trở thành chứng nhân phục sinh, các tông đồ luôn loan báo tin mừng đặc biệt này, và đã đem chính mạng sống làm chứng cho Tin Mừng các ngài rao giảng. 2. Ngài mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh Trong cuộc tranh luận với những người Do Thái, Đức Giêsu nói: “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi… Vì nếu các ông tin Môsê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi” (Ga. 5, 39.47). Kinh Thánh được một số người coi như là thư Thiên Chúa viết cho tất cả mọi người qua trung gian dân tộc Do Thái. Đức Giêsu cũng có thể được coi là lá thư, là biểu hiện, biểu chứng, biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Đức Giêsu là tột đỉnh mặc khải của Thiên Chúa cho con người. Qua Đức Giêsu, con người biết hơn về Thiên Chúa và cũng biết hơn về chính mình. Các tạo vật đều mặc khải Thiên Chúa ở một mức độ nào đó. Những nhân vật đáng kính trong lịch sử dân tộc Do Thái cũng như trong lịch sử những dân tộc khác, và nhất là trong những tôn giáo khác, cũng là chứng nhân của Thiên Chúa ở một mức độ nào đó, nhưng Đức Giêsu là một con người đặc biệt, phản ánh Thiên Chúa và tình yêu cua Thiên Chúa một cách tuyệt vời, bởi vì Ngài là chính Lời Thiên Chúa nhập thể, Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Kinh Thánh là tác phẩm của Thiên Chúa, nhưng cũng là tác phẩm của con người. Người ta có thể đọc Kinh Thánh đơn thuần như một tác phẩm thuần túy nhân loại, và người ta có thể hiểu được phần nào con người và xã hội thời đó. Hôm nay, theo Tin Mừng Luca, các tông đồ đã được Đức Giêsu mở trí để hiểu Kinh Thánh. Kinh Thánh không được viết để dạy chân lý khoa học, nhưng để giúp con người biết hơn về Thiên Chúa và tình yêu của Ngài đối với con người, giúp con người biết hơn về Đức Giêsu là tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa cho con người. 3. Thật sự biết Thiên Chúa cũng hàm chứa tuân giữ lệnh truyền của Ngài Niềm tin và cuộc sống phải đi liền với nhau. Niềm tin không chỉ là những điều một người chấp nhận và không liên hệ hay chi phối đời sống họ. Đức tin không có việc làm là đức tin chết (Gc.2, 17). “Nếu nói mình biết Thiên Chúa mà không giữ các lệnh truyền của Thiên Chúa, thì đó là kẻ nói dối” (1Ga. 2, 4). Biết Thiên Chúa, không phải là chấp nhận một số mệnh đề phát biểu về Thiên Chúa, nhưng còn bao hàm chính thái độ sống và cuộc sống của mỗi người. Cái “biết sống động” này được diễn tả qua đời sống cầu nguyện, qua việc chọn lựa trong đời sống thường ngày, qua cách cư xử với người khác… Tuy vậy trong thực tế, có nhiều người “tin” nhưng không “sống”, những người này họ chưa thực sự biết Thiên Chúa, cái biết của họ mới chỉ trên bình diện chấp nhận một điều là đúng. Những ai giữ lệnh truyền của Thiên Chúa, là những người biết Thiên Chúa thực sự. Niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh đã chi phối trọn vẹn đời sống các tông đồ. Các ngài đã ra đi rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Phục Sinh. Các ngài đã dám chết vì chính đạo. Niềm tin vào Đưc Giêsu Phục Sinh đã biến đổi đời bao con người, đã biến đổi đời các tông đồ, đã làm bao người “bỏ thế gian” để sống dành riêng cho Thiên Chúa. Các ngài là những người biết Thiên Chúa thật sự. Câu hỏi gợi ý chia sẻ 1. Theo bạn, khi Đức Giêsu cố gắng làm cho các tông đồ thấy Ngài đang sống thực sự bằng cách cho các tông đồ xem tay và cạnh sườn Người, hàm chứa điều gì? 2. Theo bạn, đức tin Kitô hữu hàm chứa gì? Tại sao lại gọi là ơn? Có gì quý hoặc được lợi gì khi tin Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể? Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm Nguồn: gplongxuyen.org Ngày 15 tháng 04 Năm 2021 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C Thánh Lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh Suy niệm về Thứ Sáu Tuần Thánh Thứ Sáu Tuần Thánh - Sống đối diện cái chết để làm trỗi dậy sự sống Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C