OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật Lễ Lá Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật Lễ Lá Tin Mừng Lc 22,14-23,56 Suy niệm: THẬP GIÁ ĐỨC GIÊSU NÓI GÌ VỚI TÔI? I. THẬP GIÁ ĐỨC GIÊSU CHO THẤY THỰC TRẠNG U TỐI CỦA CON NGƯỜI *Khi xưa đám đông dân chúng bị ảnh hưởng giới lãnh đạo Do thái giáo làm điều dữ. Ngày nay, nhiều người bị cuốn theo thế giới tục hoá, vô thần thực dụng, tôn thờ quyền lực của Sự Dữ!? *Khi xưa các môn đệ chối Thầy Giêsu, bỏ Thầy, phản Thầy. Ngay trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Và cũng trong bữa tiệc này, mặc dù Phê-rô lên tiếng mạnh mẽ: “Dù tất cả vấp phạm về Thầy, riêng con, con sẽ không bao giờ vấp phạm”, nhưng Ngài biết rõ yếu đuối của ông: “Thầy bảo thật con, chính đêm nay, trước khi gà gáy, con sẽ chối Thầy ba lần”. Giu-đa và Phê-rô là hai môn đệ được Ngài tin tưởng. Vì tin tưởng nơi các ông, nên Đức Giê-su đã giao cho Giu-đa nhiệm vụ “tay hòm, chìa khoá”, nghĩa là làm nhiệm vụ thủ quỹ cho các Ngài. Còn Phê-rô, thì Ngài đã đặt làm đầu các Tông Đồ. Thế mà giờ đây, cả hai đều vấp ngã. Còn các môn đệ khác đều chạy trốn hết cả. Ngày nay, đôi khi, trong đời sống hằng ngày, chúng ta đã bỏ Chúa Giêsu, quay lưng lại với Người, từ chối con đường Người đã đi !!? II. THẬP GIÁ TỎ LỘ TÂM TÌNH VÂNG PHỤC CỦA ĐỨC GIÊSU ĐỐI VỚI CHÚA CHA Đức Giê-su đã luôn phó thác trọn vẹn cuộc sống mình trong tay Chúa Cha như một người tôi tớ khiêm hạ mà ngôn sứ Isaia đã báo trước: “Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn”. Ngài đến là để thực hiện chương trình của Chúa Cha như lời ngôn sứ I-sai-a đã báo trước: “Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. 5 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. 6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. 7 Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.” ( Is 50,4-7) “Chúa Giê-su Ki-tô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình... Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”. (Pl 2,6-11) Như thế, Đức Giê-su vâng phục Chúa Cha, đến trần gian không phải để làm một vị vua theo nghĩa chính trị, nhưng là để “gánh tội trần gian” (Ga 1, 2). Sứ mệnh của Người đã và đang được hoàn tất. III. THẬP GIÁ MẶC KHẢI TÌNH YÊU CỦA ĐỨC GIÊSU ĐỐI VỚI NHÂN LOẠI Dấu hiệu tuyệt đỉnh của tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha và đối với các môn đệ là cây Thập Giá (Ga 13,1; 15,13): Yêu thương Chúa Cha đến nỗi vâng lời chịu chết (14,30), yêu thương các môn đệ đến nỗi chịu chết để cứu độ. Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13,1) Mọi sự đã hoàn tất (x. Ga 19,30) bằng sức mạnh của tình yêu của Đức Giêsu Kitô dành cho loài người chúng ta. Nhờ ân sủng tuôn trào từ Thập giá Chúa Kitô, chúng ta được nên một, trở thành bạn hữu của Thiên Chúa: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). IV. THẬP GIÁ ĐỨC GIÊSU KITÔ TUÔN TRÀO TÌNH YÊU CỨU ĐỘ VÀ SÁNG TẠO MỚI “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” ( 1 Ga 3, 1 ); “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” ( Ga 3, 16 ); “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” ( 1 Ga 4, 9); “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” ( Rm 5, 8 ). Khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Và kết quả đầu tiên từ cái chết của Ngài đó là: “Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới”. Từ cái chết của Đức Giê-su, ơn cứu độ đã đựơc ban cho mọi dân tộc mà lời tuyên xưng của chính viên sĩ quan là một khởi đầu: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54; Lc 23,47) “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Nhờ Người mang những vết thương của anh em mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2, 24). V. ĐIỀU CHÚA MUỐN Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.” (Ga 17,19-21) Chúa Giêsu ban cho mọi Kitô hữu điều răn mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34) Lm Giuse Đinh Kim Chí,OMI. Người Tôi Trung Đi Vào Con Đường Thập Giá Hôm nay, Giáo hội cử hành lễ Chúa Nhật VI Mùa Chay hay còn gọi là Chúa Nhật Lễ Lá, Chúa Nhật Thương Khó. Phụng vụ Lễ Lá hôm nay mở đầu với nghi thức làm phép lá và rước lá. Trong ghi thức làm phép lá, chúng ta nghe Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giê-su long trọng tiến vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a. Đấng Mê-si-a, Người Tôi Trung, khiêm tốn cỡi lừa tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Hình ảnh Chúa Giê-su cỡi lừa tiến vào thành Giê-ru-sa-lem khiến người ta nhớ lại lời sấm nói về Đấng Mê-si-a được nghi trong sách ngôn sứ Da-ca-ri-a: “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò ! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi : Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9,9). Đức Giê-su chiến đấu với nỗi sợ hãi để trung thành với chương trình của Thiên Chúa Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc thương khó của Đức Giê-su. Khi giờ đã đến, Chúa Giê-su cùng ăn tiệc Vượt Qua với các môn đệ và Ngài cho các ông biết tất cả những gì Kinh Thánh đã chép về Ngài sắp được hoàn tất. Và giờ Chúa chịu đau khổ sắp đến. Đứng trước cuộc thương khó ghê rợn sắp xẩy ra, với bản tính con người, Đức Giê-su sợ hãi và bị cám dỗ rút lui. Biết mình không đủ sức để vượt qua cuộc thương khó, Chúa Giê-su lên núi cầu nguyện xin Chúa Cha giúp sức. Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cất chén này xa con” (Lc 22,43). Chúa Giê-su xin Chúa Cha cất chén đắng xa Ngài với điều kiện là “nếu Cha muốn” và “xin đừng theo ý con nhưng theo ý Cha”. Mà ý Cha là muốn cứu độ con người bằng cách trao nộp chính Người Con cho thế gian. Đức Giê-su đón nhận sự chối bỏ của Phê-rô Đi theo Chúa Giê-su lên Núi Ôliu nhưng Phê-rô lại không đồng hành, không hiệp thông với Chúa. Ông đi theo Chúa xa xa và rồi trong dinh Tổng Trấn khi người bị người tớ gái nhận ra Phê-rô là môn đệ của Chúa Giê-su thì Phê-rô liền chối và nói không biết Chúa Giê-su là ai. Khi nghe lời chối Thầy của Phê-rô, Chúa Giê-su trong thân phận con người, Ngài cảm thấy đau khổ và xót xa; đau khổ vì bị các môn đệ, những người cách đây ít phút cùng ngồi ăn với Chúa thế mà giờ đây, khi Ngài chịu đau khổ lại không có một ai đồng hành. Biết bao lời hứa sẽ cùng Thầy đi đến cùng, dù ai có bỏ Thầy đi nữa thì con cũng không bỏ thầy, con sẽ cùng uống chén đắng với Thầy; Giờ đây, những lời hứa ấy đâu rồi? Những người nói những lời hứa ấy giờ nơi đâu? Giờ đây, Chúa Giê-su hiểu tường tận tính mỏng dòn của tình người. Tình người dễ phôi phai theo năm tháng. Lòng người dễ đổi thay khi gặp khó khăn. Chúa Giê-su biết, khi gặp khó khăn, những kẻ được Ngài thi ân giáng phúc sẽ bỏ Ngài, sẽ trở mặt chống lại Ngài. Ngài biết rất rõ khi gặp nguy nan các môn đệ sẽ bỏ rơi Ngài. Thế nhưng, Chúa Giê-su vẫn can trường, vẫn bước đi cho đến cùng của tình yêu hy hiến. Cho dù các môn đệ có chối bỏ Thầy Giê-su, cho dù chỉ có một mình, Chúa Giê-su vẫn trung thành với tình yêu của mình và đi đến cùng con đường Ngài đang đi. Ngài vượt qua mọi cảm xúc để: đối diện với sự chối bỏ của người môn đệ, dấn thân cho người mình yêu. Chúa Giê-su mãi mãi trung tín trong tình yêu vì Ngài đã yêu thì “yêu cho đến cùng”. Đức Giê-su bình thản đón nhận đau khổ và tha thứ tội cho con người Biết giờ chết đau thương đã tới, Chúa Giê-su vẫn bình tĩnh giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng. Đứng trước Thượng Hội Đồng và trước tòa Phi-la-tô, Chúa Giê-su bình thản và nói những gì cần nói, Ngài nói đúng với giáo lý đã giảng dạy bấy lâu nay. Trên đường lên Núi Sọ, Chúa Giê-su đứng lại yên ủi các phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem. Ở trên thập giá, Chúa đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Người. Người cũng ban ơn cứu độ cho người gian phi biết sám hối. Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, họa lại hai khung cảnh trái ngược nhau: đầu tiên là đoàn rước long trọng, hồ hởi đàn hát, trải áo và lá cây lót đường đón Đấng Mê-si-a tiến vào thành Giê-ru-sa-lem; thứ hai là khung cảnh của phiên tòa kết án Chúa Giê-su với những lời thóa mạ, roi đòn và cuối cùng là án tử cho Chúa. Xuyên suốt hai cung cảnh ấy là hình ảnh Chúa Giê-su luôn bình tĩnh trước mọi biến cố. Dường như Chúa Giê-su không tìm cách lẩn trốn những gì đang diễn ra hay thoái thác sứ mạng Chúa Cha ủy thác mà bình thản đi vào cuộc thương khó. Qua bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Lu-ca mời gọi mỗi chúng ta hãy xét lại mình. Tôi có thấy mình nơi hình ảnh các môn đệ Chúa Giê-su hay trong đám đông dân chúng đang kết án Chúa, từ khước Chúa đi vào cuộc đời mình? Tôi có giống như Phi-la-tô vì danh lợi, địa vị mà từ khước sống theo Tin Mừng, chiều theo dân chúng mà kết án Chúa Giê-su. Tôi có như Phê-rô vì ham sống sợ chết mà đánh mất tình thầy trò, đánh mất giá trị của người môn đệ, làm rạn nứt mối tương quan mật thiết với Thầy Giê-su. Đi theo Chúa Giê-su trên con đường thập giá quả là một thách đố lớn với chúng ta trong bối cảnh thế giới ngày nay đang bị tục hóa. Tuy nhiên, chúng ta tin là mình không cô độc vì có Thầy Giê-su luôn cùng vác thánh giá với chúng ta. Ngài luôn thấu hiểu, đồng hành và nâng đỡ chúng ta, chia sẻ những đau khổ, thử thách với chúng ta trên hành trình đức tin và trong đời sống thường nhật. Vì thế, nếu chúng ta cảm đảm, bĩnh thản cùng Chúa Giê-su vác thánh giá thì chúng ta sẽ cùng Người chiến thắng đau khổ và phục sinh vinh quang. Thanh Tùng, OMI. Ngày 08 tháng 04 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C Thánh Lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh Suy niệm về Thứ Sáu Tuần Thánh Thứ Sáu Tuần Thánh - Sống đối diện cái chết để làm trỗi dậy sự sống Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C Lễ Truyền Tin