OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật V– Mùa Chay Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật V– Mùa Chay Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Tin Mừng Ga 8,1-11 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói : “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” Người đàn bà đáp : “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói : “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !” Suy niệm: “Thiên Chúa nhẫn nại và xót thương” Trang Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gio-an tường thuật một cuộc chạm trán giữa những con người lầy lội trong tội với một vị Thiên Chúa hằng nhẫn nại và đầy lòng xót thương, Đức Giê-su Ki-tô, qua câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang”. Câu chuyện hôm nay nổi lên hai tiêu điểm chính: Con người lầy lội trong tội và một vị Thiên Chúa nhẫn nại, giàu lòng xót thương. Thứ nhất: Con người lầy lội trong tội. Chị phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang là kẻ có tội: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.” (Ga 8,4) Theo lẽ tự nhiên, tội ngoại tình đáng bị lên án, đáng bị trừng phạt. Và theo luật Mô-sê, tội ngoại tình bị bắt quả tang đáng bị trừng trị bằng cách ném đá cho đến chết: “Theo luật Mô-sê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá.” (Ga 8,5). Đoạn này cho thấy, chị phụ nữ ngoại tình đúng là kẻ có tội, không thể chối cãi. Con người lầy lội trong tội. Những người tố cáo, trẻ có già có, kinh sư có, biệt phái có, bao vây xung quanh chị phụ nữ ngoại tình: “Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người.” (Ga 8,3) Người tố cáo xem ra có vẻ là những người công chính, nhưng thực chất họ cũng chỉ là tội nhân. Tội nhân mang trong mình sự tội. Tội lén lút, tội rình mò, tội đồng lõa để cho hành vi xấu diễn ra trước mắt mình: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình” (Ga 8,3). Làm sao họ biết chị phụ nữ này ngoại tình? Chẳng phải là họ rình mò sao? Và ngay tại thời điểm tố cáo, tội gian giảo đã lộ rõ nguyên hình : “Theo luật Mô-sê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” (Ga 8,5). Và tội lừa đảo, cáo đội lốt thỏ, tội giả danh cũng bị phơi bầy: “Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người” (Ga 8,5). Đây là tội bầy mưu lập kế để hãm hại người vô tội. Câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình” tiếp tục cho thấy mọi người đều có tội. Người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang có tội và một đám đông vây quanh chị phụ nữ cũng có tội: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi.” (Ga 8,7) Những kẻ nhận ra mình là kẻ có tội lần lượt bỏ hòn đá trong tay xuống đất: “Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất...” (Ga 8,9) Còn tôi, tôi có bị bắt quả tang phạm tội không? Tôi có bị tố cáo không? Tôi có phạm tội không? Tôi có nghe thấy tiếng lương tâm tố cáo tội ẩn tàng của tôi không? Và tôi có nhận ra mình là kẻ phạm tội không? Tôi có nhận ra mình cũng là tội nhân không? Thứ hai: Thiên Chúa nhẫn nại và đầy lòng thương xót. Con người tâm địa ác độc đòi ném đá người khác. Đòi ném đá người khác là biểu hiện của sự thiếu lòng thương xót. Thiếu lòng thương xót, thiếu lòng thương người, tâm địa con người trở nên ác độc: “Theo luật Mô-sê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá” (Ga 8,5). Đối lại, Thiên Chúa thì đầy lòng thương xót. Với lòng thương xót, Thiên Chúa luôn tha thứ, bào chữa và cứu vớt tội nhân: “Không ai kết án chị ư?” (Ga 8,10). Thiên Chúa hằng mong ước và tìm mọi cách cứu vớt để con người được sống: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Ở đây, một điểm nhấn cần lưu ý là lòng thương xót Chúa không chỉ hệ tại ở việc tha tội, mà còn thể hiện ở việc nhẫn nại. Thiên Chúa nhẫn nại khơi dậy ơn phản tỉnh, giúp cho tội nhân nhận biết tội của mình. Nhận biết tội để sám hối. Sám hối để lãnh nhận ơn tha tội. Nhận lãnh ơn tha tội để được sống. Quả vậy, Thiên Chúa nhẫn nại kêu gọi sám hối. Thiên Chúa nhẫn nại đợi chờ sám hối: “Chúa Giê-su cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất” (Ga 8,6). Ngồi xuống, lấy ngón tay viết trên đất là khoảng thời gian thinh lặng, khoảng thời gian lắng đọng, khoảng thời gian đợi chờ. Chờ đợi tội nhân ăn năn sám hối. Chờ đợi kẻ lạc đường quay về chính lộ. Chờ đợi kẻ lòng chai dạ đá thức tỉnh, nhận biết mình là tội nhân. Tội nhân cần nhận lãnh ơn sám hối và ơn tha thứ. Thiên Chúa là thế đó! Thiên Chúa không những có lòng thương xót mà còn nhẫn nại thương xót: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” (Ed 18,23). Sự nhẫn nại của Thiên Chúa được thánh Phê-rô mô tả như sau: “đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.” (2 Pr 3, 8-10). Sách Huấn Ca thì viết: “Đừng nói: ‘Tôi đã phạm tội nhưng nào có sao?’ Bởi vì Đức Chúa nhẫn nại đó!” (Hc 8,4). Thiên Chúa nhẫn nại để xót thương. Mùa Chay này, tôi có nhận ra lòng Chúa thương xót không? Tôi có cảm nhận Chúa đang nhẫn nại chờ đợi tôi sám hối không? Tôi có nhận biết rằng mình cũng là kẻ có tội để sẵn sàng buông hòn đá trong tay xuống không? Tôi có biết cúi đầu đón nhận lòng xót thương và sẵn sàng xót thương những anh chị em đau khổ đang cần lòng xót thương? Lm Nicola Vũ Duy Tân, omi. Thiên Chúa Tha Thứ Tội Lỗi Và Đổi Mới Con Người Chúa nhật tuần trước, Giáo hội cho chúng ta nghe về dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” hay chúng ta quen gọi là dụ ngôn “người con hoang đàng”. Khi nghe dụ ngôn này, chắc các bà, các chị em thấy vui trong lòng, thấy như được an ủi vì bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca thuật lại câu chuyện đứa con hoang đàng, chỉ có đàn ông con trai mới hư hỏng, mới làm cho cha mẹ phải khổ sở. Và rồi Chúa Nhật hôm nay, chúng ta vừa nghe thánh Gio-an thuật lại câu chuyện “người phụ nữ ngoại tình” chắc các bà, các chị em ngại lắm vì không chỉ có đàn ông, con trai mới đi hoang mà phụ nữ cũng đi hoang nữa. Chúng ta đang sống ở những tuần cuối cùng của Mùa Chay, phụng vụ Lời Chúa các Chúa Nhật cuối Mùa Chay cho chúng ta những cảm nghiệm sâu sắc về lòng thương xót của Thiên Chúa được các thánh sử trình bày qua hình ảnh người cha trong dụ ngôn “người cha nhân hậu”, qua hình ảnh Đức Giê-su trong câu chuyện người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng hôm nay. Thiên Chúa Thương Xót và Đổi Mới Con Người Đức Giê-su đang giảng dạy tại đền thờ Giê-ru-sa-lem trong tuần lễ cuối cùng của đời người. Và lời gảng dạy của Chúa có sức thu hút dân chúng đến nỗi họ phải ngạc nhiên và thốt lên: ông ấy giảng dạy như một đấng có uy quyền và lời giảng dạy thì mới mẻ (xc. Mc 1,27). Và dân chúng kéo đến nghe người giảng rất đông cho nên những người lãnh đạo Do-thái rất bực tức và tìm dịp thuận tiện để gài bẫy Chúa Giê-su. Dịp thuận tiện cuối cùng đã đến với họ, hôm nay, các kinh sư và người Pha-ri-siêu dẫn đến với Chúa Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình với mục đích thử Chúa xem Ngài thực hành lệnh truyền của lề luật ra sao, xem Ngài có làm đúng như những gì Ngài rao giảng không? Chúa Giê-su biết tâm ý xấu xa của họ nên Ngài đã lật ngược tình thế đối với những kẻ thử Ngài. Các kinh sư và người Pha-ri-siêu dẫn đến với Chúa Giê-su một người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình và họ xin Chúa cho ý kiến và cách xử trí người phụ nữ này thế nào. Họ nói: “Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” (Ga 8,5). Một câu hỏi khó cho Chúa Giê-su, nếu Chúa trả lời không ném đá thì một cách nào đó Chúa vi phạm lề luật còn nếu Chúa đồng ý ném đá người phụ nữ thì sẽ bị kết án là một vị thầy giả hiệu. Đứng trước một cái bẫy cực kỳ khó, Chúa Giê-su hết sức bình thản. Thánh Gio-an nói, Chúa Giê-su cúi xuống viết hoặc vẽ những dấu trên mặt đất. Chúng ta không biết Chúa Giê-su viết gì và nhiều người thắc mắc không biết Chúa viết gì. Chúa viết tội của người phụ nữ hay viết tội của những kẻ đang gài bẫy Ngài. Theo thánh Giê-rô-đi mô, Chúa Giê-su đang viết tội của những kẻ tố cáo người phụ nữ. Hoặc có một giải thích khác cho rằng Chúa Giê-su viết tội của người phụ nữ trên mặt đất vì viết tội trên đất thì gió sẽ xóa hết chữ đã viết, còn viết tội trên đá hay trên giấy thì sẽ lưu lại mãi. Như vậy, một cách nào đó, Chúa Giê-su đã tha thứ tội cho người phụ nữ. Những gì Chúa Giê-su có thể viết trên mặt đất dường như không quan trọng cho bằng việc Chúa thoát khỏi cái bẫy nguy hiểm mà những kẻ chống đối Chúa giăng ra cho Chúa. Chúa chỉ lên tiếng khi những người thách thức Chúa lên tục thúc dục Ngài cho câu trả lời về vấn đề liên quan đến người phụ nữ. Không lên án tử người phụ nữ theo như những kẻ gài bẫy Ngài mong chờ, Chúa Giê-su bắt những kẻ gài bẫy phải nhìn lại bản thân mình, đưa bản thân mình ra mà xét đoán. Chúa Giê-su nói với họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Họ nhìn vào lương tâm, tâm hồn mình và thấy ai trong họ cũng có tội vì thế, “Họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” (Ga 8,9). Kết thúc bài Tin Mừng, thánh Gio-an cho thấy đám đông bỏ đi hết và chỉ còn lại mình Chúa Giê-su với người phụ nữ đang đứng ở giữa. Lúc này, Chúa Giê-su trực tiếp nói chuyện với người phụ nữ. Chúa đối xử với chị bằng sự tôn trọng và lòng thương xót. Chúa Giê-su không lên án người phụ nữ và cũng không minh oan cho chị. Chúa Giê-su không hề chuẩn nhận cho lối sống của người phụ nữ nhưng Chúa tha thứ tội cho chị và mời gọi chị hãy từ bỏ lối sống đó. Chúa khuyên người phụ nữ trách xa lối sống cũ và khuyên chị từ nay đừng phạm tội nữa. Như vậy, khi tha thứ tội lỗi cho người phụ nữ, Chúa Giê-su mời gọi chị ta hãy đổi mới, hãy sống lối sống mới. Giờ đây, người phụ nữ phạm tội ngoại tình có thể nói như thánh Phao-lô: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9). Con Người Nỗ Lực Đổi Mới Mình Được Thiên Chúa tha thứ, thương xót người ta phải thay đổi, đổi mới cuộc sống. Thánh Phao-lô là người có lẽ cảm nhận được lòng thương xót, tha thứ của Thiên Chúa nên ngài quyết tâm thay đổi đời sống của mình. Đối với thánh Phao-lô được biết Chúa Ki-tô là một mối lợi, được Chúa đổi mới là một hồng ân. Hành trình đổi mới con người cũng giống như một cuộc chạy đua, vận động viên muốn đoạt giải thì phải nỗ lực luyện tập mỗi ngày. Người ta phải quên đi chặng đường đã qua, nói cách khác, phải quên đi lối sống cũ và sống lối sống mới hầu đạt được phần thưởng cao quý là sự sống mới trong Chúa Giê-su Ki-tô. Thánh Phao-lô và người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay rất vui mừng, vui hơn cả những tù nhân đang lưu đầy ở Babylon được tiên tri Isaia loan báo tin mừng sắp được giải thoát. Chúa Giê-su đã mở cho người phụ nữ cũng như thánh Phao-lô một con đường mới như Ngài đã mở con đường giữa đại dương để giải thoát dân Ít-ra-en khỏi cảnh nô lệ. Chúa Giê-su đã khai mở trong tâm hồn người phụ nữ một dòng sông để tưới mát tâm hồn khô cháy, tội lỗi của chị giống như Chúa đã khơi dòng sông giữa sa mạc khô cằn cho dân Ít-ra-en được giải khát. Chúa Giê-su đã xây dựng con người chị, con người thánh Phao-lô thành con cái Chúa, thành những người luôn biết ca tụng lòng thương xót Chúa, như Ngài đã gầy dựng dân Ít-ra-en thành một dân luôn cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa (xc. Is 43,21). Qua câu chuyện người phụ nữ ngoại tình hôm nay, thánh Gio-an đã diễn tả cách sâu sắc về lòng thương xót Chúa, về chương trình và cách thức Thiên Chúa cứu độ loài người, cứu người tội lỗi. Cả những kẻ tố và người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình đều cảm nghiệm nơi Chúa Giê-su lòng thương xót hay tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa. Giờ đây, những kẻ tố cáo người phụ nữ thấy mình cũng cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngày nay, Chúa Giê-su vẫn cư xử với chúng ta là những người tội lỗi giống như Ngài đã cư xử với người phụ nữ ngoại tình. Trên Thánh giá, Chúa Giê-su ban ơn tha thứ cho tất cả những ai tin vào Ngài và làm cho họ thành những con người mới, thành dân mới của Chúa. Qua Lời Chúa hôm nay, Giáo hội mời gọi mỗi chúng ta hãy nhìn vào lòng mình, nhìn vào tình thương yêu tha thứ của Thiên Chúa mà nhận ra mình là kẻ tội lỗi cần được Chúa thứ tha, đồng thời, quyết tâm đổi mới con người và từ nay đừng phạm tội nữa. Thanh Tùng, OMI. Ngày 02 tháng 04 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG Chúa Nhật VII Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật VI Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C Thánh Lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh Suy niệm về Thứ Sáu Tuần Thánh